Điều gì sẽ xảy ra nếu người Neanderthal vẫn tồn tại đến ngày nay?

Sự biến mất của chủng người Neanderthal cách đây 25.000 năm vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Tuy nhiên, nếu họ không tuyệt chủng vào thời điểm đó, liệu loài người hiện đại có thể chung sống cùng họ trên Trái Đất hay không?

Người Neanderthal là gì?

Người Neanderthal là một loài người cổ đại thuộc chi Homo và là họ hàng gần gũi với loài người hiện đại (Homo sapiens). Neanderthals xuất hiện khoảng 400.000 năm trước và sinh sống chủ yếu ở châu Âu và vùng Tây Á.

Người Neanderthals có vóc dáng vạm vỡ, khung xương chắc chắn và có cấu trúc cơ thể thích nghi với khí hậu lạnh giá trong Kỷ Băng Hà.

Chủng người Neanderthal được biết đến là những thợ săn giỏi, họ sử dụng công cụ bằng đá và biết cách sử dụng lửa. Họ cũng có một số hành vi xã hội và văn hóa như chôn cất người chết và có thể đã phát triển một hình thức giao tiếp ngôn ngữ đơn giản.

Mặc dù người Neanderthal đã tuyệt chủng khoảng 25.000 đến 30.000 năm trước, bằng chứng di truyền cho thấy có sự giao phối giữa họ và người hiện đại. Một phần nhỏ DNA của người Neanderthals vẫn tồn tại trong gen của người Homo sapiens ngày nay.

Tượng một người Neanderthal ở bảo tàng lịch sử nước Anh

Tượng một người Neanderthal ở bảo tàng lịch sử nước Anh

Tại sao người Neanderthal tuyệt chủng?

Người Neanderthals cao từ 1,6 đến 1,7 mét, đầu to, mũi lớn và lông mày dày. Một người đàn ông Neanderthal khỏe mạnh có thể dễ dàng hạ gục võ sĩ mạnh nhất thời hiện đại chỉ với một cú đấm. Họ có khác biệt rõ rệt với Homo sapiens về mặt hình thể.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học phát hiện rằng một số người hiện đại mang gen của người Neanderthals. Tuy nhiên, điều này không thay đổi thực tế rằng Neanderthal đã tuyệt chủng.

So sánh hộp sọ Homo sapiens ( bên trái) và người Neanderthal ( bên phải)

So sánh hộp sọ Homo sapiens ( bên trái) và người Neanderthal ( bên phải)

Có thể mối quan hệ giữa Homo sapiens và Neanderthal tương tự như mối quan hệ giữa sư tử và hổ: hai loài họ hàng có thể lai giống nhưng không thể tạo ra số lượng lớn con cái khỏe mạnh. Những con lai như “liger” (sư tử lai hổ) thường vô sinh và dễ mắc bệnh.

Tương tự, sự trao đổi gen giữa Homo sapiens và Neanderthal rất hiếm và không đủ để tạo thành một chủng tộc mới. Do đó, sự tuyệt chủng của người Neanderthals không phải do lai tạo với Homo sapiens, mà có lẽ là do hòa nhập dần.

Nhiều người cho rằng Neanderthal không thể tồn tại vì họ kém thông minh hơn Homo sapiens. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại cho thấy bộ não của Neanderthal lớn hơn một chút so với loài người hiện đại. Họ cũng chế tạo các công cụ bằng đá rất phức tạp, tương tự những gì tổ tiên Homo sapiens đã làm.

Neanderthal còn thể hiện khả năng sáng tạo vượt bậc. Họ sử dụng màu sắc, làm đồ trang sức và thậm chí có thể tạo ra nhạc cụ như sáo xương.

Một số nhà khoa học cho rằng họ có thể đóng thuyền và khám phá các đảo ở Hy Lạp – điều tương tự Homo sapiens đã làm khi di cư đến Australia hàng chục nghìn năm trước.

Thậm chí, một số nhà khảo cổ tin rằng những công nghệ tiên tiến ở châu Âu hơn 40.000 năm trước, như cưa đá và các tác phẩm điêu khắc có thể là kiệt tác của Neanderthal, chứ không phải Homo sapiens.

Vì vậy, thật tự phụ khi nghĩ rằng tổ tiên chúng ta vượt trội hơn Neanderthal chỉ vì sự thông minh!

Một quan điểm phổ biến cho rằng những người Neanderthal cuối cùng đã bị Homo sapiens tiêu diệt hoàn toàn. Theo lý thuyết này, Homo sapiens có thể đã phát động các cuộc tấn công nhằm loại bỏ người Neanderthal. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao Homo sapiens lại muốn tiêu diệt Neanderthal?

Trên thực tế, hai loài này đã sống chung hòa bình trong khoảng 3.000 đến 5.000 năm ở Tây Âu, đặc biệt là tại khu vực ngày nay là Pháp. Các nhà khảo cổ chưa phát hiện bằng chứng rõ ràng về xung đột giữa họ từ các khảo sát di chỉ.

Điều ngạc nhiên là chiến tranh dường như rất hiếm trong thời đại đồ đá cũ. Trong số hàng trăm bộ xương người cổ đại được tìm thấy trên thế giới, chỉ một số ít có dấu hiệu bị thương do bạo lực và những vết thương này có thể là kết quả của tai nạn săn bắn hơn là chiến tranh.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng Neanderthal và Homo sapiens thường sống cách xa nhau. Người Neanderthal thích săn những loài thú lớn như hươu và bò rừng, trong khi Homo sapiens có chế độ ăn uống đa dạng hơn. Một số học giả tin rằng chính sự khác biệt về nguồn thức ăn này có thể giải thích sự tuyệt chủng của Neanderthal cách đây 25.000 năm.

Thời kỳ đó, khí hậu trở nên rất lạnh giá và các loài thú lớn trở nên khan hiếm. Với cơ bắp và bộ não lớn, Neanderthal cần nhiều calo hơn Homo sapiens khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thức ăn.

Người Neanderthal thậm chí còn cực kỳ thông minh và giàu trí tưởng tượng. Họ sử dụng sơn màu, làm đồ trang sức và có thể làm nhạc cụ (chẳng hạn như sáo làm bằng xương).

sáo làm bằng xương

Sáo được làm bằng xương

Điều gì xảy ra nếu người Neanderthal tồn tại đến ngày nay?

Nếu Neanderthal biến mất vì thiếu lương thực, thì câu hỏi đặt ra là: Nếu khí hậu không trở nên lạnh giá như vậy, liệu Neanderthal có thể sống sót? Có lẽ điều này có thể. Trong một thời gian, họ có thể tiếp tục tồn tại. Nhưng khi loài người chuyển từ lối sống săn bắn hái lượm sang định cư và nông nghiệp, thì Neanderthal có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khoảng 12.000 năm trước, sau Kỷ Băng Hà cuối cùng, biến đổi khí hậu khiến các khu rừng Trung Đông biến mất, buộc người dân Lưỡng Hà đầu tiên phát triển nông nghiệp, trồng lúa mì và thuần hóa gia súc.

Với nông nghiệp, một người có thể sản xuất đủ thực phẩm để nuôi sống nhiều người và thức ăn được tích trữ ở các khu vực định cư mới. Con người không còn phải di chuyển tìm kiếm thức ăn như trước, điều này giúp họ tập trung vào sản xuất công cụ và xây dựng nhà cửa, thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và xã hội. Dân số nông nghiệp bùng nổ khi họ chiếm lấy vùng đất mới hoặc khi các bộ lạc lân cận học hỏi theo.

Đây cũng là thời điểm mà tổ tiên chúng ta có lý do chính đáng để gây chiến: tranh giành những vùng đất có thể dùng để canh tác, xây dựng khu định cư hoặc chiếm lấy đất nông nghiệp của đối phương.

Nếu bạn là một nông dân thời đó và có người đến chiếm lấy mùa màng, bạn sẽ buộc phải chống lại họ vì nếu từ bỏ đất đai và hoa màu, bạn có thể sẽ phải đối mặt với cái chết vì đói.

Khi công nghệ canh tác lan rộng đến châu Âu, Homo sapiens bắt đầu trở thành nông dân, trong khi người Neanderthal có lẽ vẫn duy trì lối sống săn bắn hái lượm, đặc biệt tại những khu vực như Aquitaine ở tây nam nước Pháp, nam Tây Ban Nha và cửa sông Rhine, nơi săn bắn và hái lượm tồn tại lâu dài trong lịch sử.

Trước sự tiến bộ không ngừng của nền nông nghiệp Homo sapiens, người Neanderthal có thể đã bị buộc phải tấn công những người nông dân định cư để cướp lương thực và công cụ mà họ không thể tự tạo ra. Điều này không phải là không thể, như đã từng xảy ra giữa người da đỏ châu Mỹ và người nhập cư châu Âu vào thế kỷ 19.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không nhất thiết dẫn đến sự tuyệt chủng của người Neanderthal. Họ có thể đã thích nghi, thay đổi lối sống và thiết lập nền văn minh riêng, tương tự như người Huns hay người Mông Cổ cổ đại. Nếu điều này xảy ra, có lẽ ngày nay châu Âu sẽ có một quốc gia độc đáo, nơi người Neanderthal sống chủ yếu.

Nếu người Neanderthal không tuyệt chủng và tồn tại đến ngày nay, sự tương tác giữa họ và Homo sapiens có thể mở ra nhiều khả năng mới cho sự phát triển văn hóa và xã hội. Sự khác biệt về thể chất và trí tuệ có thể dẫn đến những mối quan hệ phức tạp, từ hợp tác đến cạnh tranh. Tuy nhiên, cả hai loài có thể đã cùng tiến hóa và đóng góp vào nền văn minh đa dạng hơn so với hiện tại.