Tóm tắt lịch sử Việt Nam chỉ trong 10 phút
Lịch sử Việt Nam kéo dài hơn 4000 năm với những cuộc đấu tranh kiên cường và tinh thần bất khuất của toàn dân tộc. Nhưng làm thế nào để hiểu trọn vẹn hành trình này chỉ trong 10 phút? Tham khảo bài tóm tắt lịch sử Việt Nam dưới đây sẽ giúp bạn nắm bắt dễ dàng những mốc sự kiện quan trọng từ buổi đầu dựng nước đến thời kỳ hội nhập quốc tế ngày nay.
Sự hình thành Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc
Văn Lang là nhà nước đầu tiên của người Việt, được cai trị bởi các Vua Hùng. Những vị vua này đã thay nhau trị vì, xây dựng nền móng cho văn hóa và lịch sử của dân tộc. Đến thế kỷ 3 TCN, An Dương Vương lên ngôi và lập nên nước Âu Lạc, với trung tâm là Thành Cổ Loa, một di tích vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Bản đồ mô phỏng nhà nước Văn Lang
Giai đoạn Bắc thuộc (207 TCN – Thế kỷ 10 SCN)
Năm 207 TCN, nước Âu Lạc bị Triệu Đà, vua nước Nam Việt (vùng Quảng Châu – Trung Quốc ngày nay) xâm chiếm. Sau đó, năm 111 TCN, nhà Hán đánh chiếm và đô hộ Âu Lạc, chia lãnh thổ thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân.
Việt Nam tiếp tục trải qua 11 thế kỷ dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Trong giai đoạn này, nhiều anh hùng dân tộc đã khởi nghĩa chống lại sự đô hộ để giành độc lập như:
— Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43 SCN): Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc và Trưng Nhị chống lại nhà Hán, giành lại độc lập trong thời gian ngắn.
— Khởi nghĩa Bà Triệu (248 SCN): Bà Triệu Thị Trinh đã lãnh đạo quân kháng chiến chống lại quân Đông Ngô.
— Khởi nghĩa Lý Nam Đế (542 – 602 SCN): Lý Bí, hay Lý Bôn, lập nên nhà nước Vạn Xuân với kinh đô tại Long Biên.
— Khởi nghĩa Mai Hắc Đế (722 SCN): Mai Thúc Loan dấy binh chống lại ách đô hộ nhà Đường.
— Khởi nghĩa Phùng Hưng (766 – 791 SCN): Phùng Hưng nổi dậy chống lại quân Đường.
— Năm 938, Ngô Quyền đã đại thắng quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập cho Việt Nam.
Sau khi Ngô Quyền giành lại độc lập, Việt Nam lần lượt trải qua các triều đại:
- Nhà Ngô (Ngô Quyền)
- Nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng)
- Nhà Tiền Lê (Lê Hoàn)
- Nhà Lý (Lý Công Uẩn)
- Nhà Trần (Trần Cảnh)
- Nhà Hồ (Hồ Quý Ly)
- Hậu Trần (Trần Trùng Quang)
- Nhà Lê sơ (Lê Lợi)
- Nhà Mạc (Mạc Đăng Dung)
- Nhà Lê Trung Hưng (Lê Chiêu Thống)
- Triều đại Tây Sơn (Nguyễn Huệ)
- Nhà Nguyễn (từ Nguyễn Ánh đến Bảo Đại, vua cuối cùng của triều Nguyễn, kết thúc năm 1945).
Giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài gần 200 năm trong thời kỳ nhà Lê sơ và Lê Trung Hưng đến khi nhà Nguyễn kết thúc vào năm 1945.
Tóm tắt lịch sử Việt Nam qua các Triều đại phong kiến
Sự hình thành và phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam đã tạo nên những trang sử quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam qua các triều đại phong kiến
Đầu thế kỷ thứ 10, Việt Nam bắt đầu bước vào kỷ nguyên độc lập sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài, với sự nổi lên của các triều đại như Ngô – Đinh – Tiền Lê. Đây là những triều đại đầu tiên xây dựng nền móng cho quốc gia phong kiến độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Triều đại Ngô (939 – 965)
Với 5 vị vua, triều đại nhà Ngô kéo dài 26 năm với tên nước là Vạn Xuân, kinh đô đặt tại Cổ Loa. Ngô Quyền (939 – 944), người đã đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, được coi là người khai sáng triều đại.
Sau đó, Dương Tam Kha (944 – 950), em vợ Ngô Quyền cướp ngôi, gây ra tình trạng bất ổn và các sứ quân nổi loạn dẫn đến Loạn 12 sứ quân. Loạn này chỉ kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước vào năm 968.
Triều đại Đinh (968 – 980)
Đinh Tiên Hoàng lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, trở thành nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên với kinh đô đặt tại Hoa Lư.
Sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, Đinh Toàn kế vị. Bởi còn quá nhỏ nên tạo cơ hội cho nhà Tống xâm lược. Thái hậu Dương Vân Nga trao quyền cho Lê Hoàn (Lê Đại Hành), mở ra triều đại Tiền Lê.
Triều đại Tiền Lê (980 – 1009)
Lê Đại Hành đã đánh bại quân Tống và duy trì sự ổn định quốc gia. Sau đó, hai vị vua kế tiếp là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều đã làm suy yếu triều đại do những hành vi cai trị tàn bạo.
Sau khi Lê Ngọa Triều qua đời, triều thần đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên triều đại Lý.
Triều đại Lý (1009 – 1225)
Với 9 đời vua và 216 năm trị vì, triều đại Lý được xem là thời kỳ thịnh vượng. Lý Thái Tổ (1010 – 1028) dời đô về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) và bắt đầu mở rộng lãnh thổ.
Dưới thời Lý, nhiều cải cách quan trọng về giáo dục, kinh tế và văn hóa đã được thực hiện, với việc xây dựng Quốc Tử Giám vào năm 1076 dưới thời Lý Nhân Tông.
Triều đại kết thúc khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh vào năm 1225, mở đầu cho nhà Trần.
Triều đại Trần (1226 – 1400)
Nhà Trần nổi tiếng với các cuộc kháng chiến chống lại quân Nguyên Mông trong các năm 1258; 1285 và 1287. Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân dân Đại Việt đã bảo vệ đất nước trước thế lực hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Nhà Trần còn ghi dấu ấn với các cải cách về quân sự, chính trị và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 14, nhà Trần suy yếu và bị Hồ Quý Ly soán ngôi năm 1400, lập nên nhà Hồ.
Triều đại Hồ (1400 – 1407)
Hồ Quý Ly lên ngôi và đổi tên nước thành Đại Ngu. Tuy nhiên, chỉ trong 7 năm nhà Hồ đã bị quân Minh xâm lược và nhà Hồ sụp đổ vào năm 1407.
Thời kỳ Hậu Trần (1407 – 1414)
Sau khi nhà Hồ thất bại, Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng đã nỗ lực khôi phục nhà Trần nhưng không thành công. Quân Minh chiếm đóng và đưa đất nước trở lại thời kỳ Bắc thuộc.
Kháng chiến chống Minh và triều đại Lê sơ (1428 – 1527)
Lê Lợi lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn chống lại sự cai trị của nhà Minh và thành công vào năm 1428, lập ra nhà Hậu Lê.
Dưới thời Lê Thánh Tông, đất nước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và quân sự, đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh trong khu vực.
Nhà Mạc (1527 – 1593)
Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, lập nên triều đại nhà Mạc. Tuy nhiên, triều Mạc bị các thế lực trung thành với nhà Lê chống đối và dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm.
Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh
Trong thời kỳ này, đất nước bị chia cắt thành Đàng Ngoài do chúa Trịnh kiểm soát và Đàng Trong do chúa Nguyễn cai trị. Sự phân tranh này kéo dài hơn 150 năm cho đến khi nhà Tây Sơn lật đổ cả hai thế lực.
Triều đại Tây Sơn (1789 – 1802)
Nhà Tây Sơn, với Nguyễn Huệ là người nổi bật nhất, đã đánh tan quân Thanh trong chiến dịch Đống Đa vào năm 1789 và giành lại độc lập cho đất nước.
Tuy nhiên, nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu sau cái chết của Quang Trung và Nguyễn Ánh (Gia Long) đã đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn.
Triều đại Nguyễn (1802 – 1945)
Gia Long thống nhất đất nước và thành lập triều đại nhà Nguyễn, đặt tên nước là Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách bảo thủ của các vị vua sau đã làm đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng và bị thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1945, Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị, đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc
Năm 1858 quân Pháp đổ bộ và chiếm Đà Nẵng, đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ Pháp thuộc ở Đông Dương. Từ đó, Việt Nam bước vào giai đoạn đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp với nhiều phong trào khởi nghĩa yêu nước diễn ra khắp cả nước.
— Phong trào Cần Vương (1885 – 1896): Phong trào do vua Hàm Nghi lãnh đạo, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống lại ách đô hộ của Pháp.
— Cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định (1860 – 1887) và khởi nghĩa Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy (1884 – 1889) là những phong trào nổi bật, thể hiện tinh thần quật cường của nhân dân Việt Nam.
— Tại Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Phan Đình Phùng (1885 – 1895) nổi lên mạnh mẽ, trong khi Đinh Công Tráng khởi nghĩa ở Thanh Hóa (1886 – 1887).
— Cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài từ 1887 đến 1913, là một trong những phong trào kháng chiến lâu dài và bền bỉ nhất.
Việt Nam thời Pháp thuộc là thời điểm có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, trên ảnh là Nghĩa quân Yên Thế
Đầu thế kỷ 20, tư tưởng yêu nước chuyển hướng sang các phong trào canh tân đất nước như Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu (1904 – 1908) và Phong trào Đông Kinh của Phan Châu Trinh.
— Tháng 12/1927, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo thất bại, nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đấu tranh cách mạng.
— Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng.
— Từ tháng 5/1930 đến tháng 4/1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi lên mạnh mẽ, thể hiện tinh thần đấu tranh của công nông Việt Nam.
Tháng 9/1940, Nhật Bản vào Đông Dương, gây ra thêm một thế lực ngoại bang, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Các cuộc khởi nghĩa như Bắc Sơn (tháng 9/1940) và Nam Kỳ (ngày 23/11/1940) diễn ra, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng tháng Tám sau này.
— Ngày 19/05/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, tập hợp các lực lượng yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
— Tháng 9/1945, Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng bùng lên mạnh mẽ.
— Ngày 19/08/1945, Việt Minh quyết định Tổng khởi nghĩa tại Tân Trào, giành chính quyền ở nhiều nơi.
Cuối cùng, ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, ngay sau đó, đất nước lại phải đối mặt với sự trở lại của thực dân Pháp.
— Ngày 19/12/1946, phong trào kháng chiến chống Pháp bùng phát trở lại, mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến.
— Nhiều chiến dịch lớn diễn ra trong suốt cuộc kháng chiến như Chiến dịch Thu Đông ở Việt Bắc (1947), chiến dịch Biên giới Việt – Trung (1950) và Chiến dịch Tây Bắc (1952).
Đỉnh cao của cuộc kháng chiến là trận chiến thắng Điện Biên Phủ (13/03/1954 – 07/05/1954), kết thúc bằng chiến thắng lịch sử của quân và dân Việt Nam, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán.
— Ngày 21/07/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của người Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiệp định cũng quy định tạm thời chia cắt đất nước tại vĩ tuyến 17 và tiến hành tổng tuyển cử vào năm 1956 nhằm thống nhất đất nước.
Lịch sử Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Sau khi thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc vào năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 17. Miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) bước vào giai đoạn xây dựng lại đất nước, trong khi miền Nam rơi vào sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn.
— Năm 1956: Mỹ ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam, Hiệp định Geneva năm 1954 không được thực thi với cuộc Tổng tuyển cử bị hủy bỏ.
— Năm 1956 – 1960: Phong trào Đồng Khởi nổ ra ở miền Nam, nhân dân và lực lượng cách mạng tiến hành khởi nghĩa chống lại chế độ Ngô Đình Diệm.
— Năm 1961 – 1965: Mỹ thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược sử dụng quân đội chính quyền Sài Gòn và viện trợ Mỹ để đàn áp cách mạng miền Nam.
— Năm 1965 – 1968: Mỹ tiếp tục thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” dù đã đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam.
— Ngày 5/8/1964 đến 1/10/1968: Mỹ thất bại trong cuộc chiến leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân trong Chiến tranh Phá hoại lần thứ nhất.
— Ngày 30/01/1968 – 23/09/1968: Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân của lực lượng cách mạng miền Nam đã gây ra thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
— Ngày 06/06/1969: Chính quyền Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được thành lập, củng cố lực lượng kháng chiến.
— Năm 1968 – 1972: Mỹ thất bại trong nỗ lực “Việt Nam hóa chiến tranh”, tức là rút dần quân Mỹ và giao chiến trường lại cho quân đội Sài Gòn.
— Ngày 06/04/1972 – 10/1972: Mỹ thất bại trong Chiến tranh Phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc với các cuộc không kích nhưng bị đánh trả quyết liệt.
Đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc ném bom B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh khác từ 18/12 đến 29/12/1972, nhưng chiến dịch này nhanh chóng thất bại. Sau đó, Mỹ phải ngồi lại bàn đàm phán.
— Ngày 27/01/1973: Hiệp định Paris được ký kết, công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, yêu cầu Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Việt Nam.
— Ngày 06/01/1975: Chiến thắng giải phóng Phước Long mở màn cho giai đoạn tấn công mạnh mẽ nhằm lật đổ chính quyền Sài Gòn.
— Tháng 3/1975: Chiến dịch Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng lần lượt thất thủ, chính quyền Sài Gòn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
— Ngày 26/04/1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam.
— Ngày 30/04/1975: Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, đánh dấu giải phóng miền Nam và chấm dứt chiến tranh.
Xe tăng quân giải phóng chiếm dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975
— Ngày 02/05/1975: Toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng, hoàn tất quá trình giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Chiến tranh Biên giới 1975 – 1979
Sau năm 1975, đất nước bước vào giai đoạn xây dựng và khắc phục hậu quả của hơn 30 năm chiến tranh. Tuy nhiên, ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc đất nước phải đối mặt với những cuộc xung đột biên giới khốc liệt:
— Chiến tranh Biên giới Tây Nam (1975 – 1979):
Cuộc chiến này diễn ra giữa Việt Nam và chính quyền Khmer Đỏ của Campuchia. Chính quyền Khmer Đỏ đã liên tục tiến hành các cuộc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, gây ra thương vong và thiệt hại cho dân cư ở các tỉnh biên giới Tây Nam.
Để bảo vệ an ninh quốc gia và chấm dứt hành vi tàn bạo của Khmer Đỏ, Việt Nam đã tiến hành phản công đánh bại chế độ này vào năm 1979, góp phần giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
— Chiến tranh Biên giới Việt – Trung (17/2/1979 – 16/3/1979):
Cuộc chiến nổ ra khi Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công quân sự vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào tháng 2 năm 1979.
Mặc dù cuộc chiến chính thức kết thúc vào tháng 3/1979 nhưng căng thẳng giữa hai nước vẫn kéo dài đến tận năm 1991 với nhiều trận đánh ác liệt, trong đó nổi bật là trận chiến tại Vị Xuyên – Hà Giang ngày 12/7/1984. Cuộc xung đột biên giới này gây ra nhiều tổn thất về nhân lực và vật chất cho cả hai bên.
Ngày 02/07/1976, nước Việt Nam thống nhất chính thức đổi tên thành Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, với Hà Nội là thủ đô và Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thống nhất, cả nước bắt đầu bước vào quá trình tái thiết và phát triển kinh tế, khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Tóm tắt nhanh lịch sử Việt Nam trong 10 phút giúp bạn hình dung rõ nét về dòng chảy phát triển của dân tộc. Dù phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh và thử thách, người Việt luôn kiên cường, đoàn kết để bảo vệ và xây dựng đất nước. Những trang sử hào hùng này tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau.