Ashoka Đại Đế: Từ Vị Vua Tàn Bạo Đến Thánh Vương Hộ Trì Phật Pháp

Ashoka Đại Đế (hay còn gọi là A Dục Vương) là vị hoàng đế thứ ba của vương triều Maurya ở Ấn Độ cổ đại, trị vì từ năm 273 đến 232 Tây Lịch. Ông được biết đến là vị vua vĩ đại nhất của triều đại Maurya nhờ công lao thống nhất gần như toàn bộ bán đảo Ấn Độ. Điều đặc biệt là từ một vị vua nổi tiếng với sự tàn bạo, Ashoka đã thay đổi và trở thành một vị hoàng đế nhân từ, đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền các di sản và Thánh tích của Phật giáo.

Cuộc đời và sự nghiệp của Ashoka chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ thú, mời bạn cùng khám phá qua bài viết dưới đây!

Đức Phật thọ ký cho Ashoka Đại Đế

Một ngày nọ, tại vườn Ca-lan-đà ở thành Vương Xá, khi Đức Phật đang trên đường đi khất thực, Ngài bắt gặp hai em bé đang chơi đùa và bốc cát.

Khi nhìn thấy Đức Phật đi tới, một em bé liền cầm nắm cát trong tay và nghĩ: “Mình sẽ dâng nắm cát này để cúng dường cho vị Sa môn.” Nghĩ rồi, em bé tiến đến bỏ nắm cát vào bình bát của Đức Phật và nói: “Con muốn trở thành vua!” Sau đó, em bé chạy đi.

Ngay lúc đó, Đức Phật mỉm cười. Tôn giả A-nan, nhận thấy nụ cười của Đức Phật không phải là điều ngẫu nhiên, liền xin Ngài giải thích. Đức Phật nói:

Ta vừa mỉm cười vì có duyên cớ. Sau khi ta nhập diệt khoảng 200 năm, đứa trẻ vừa cúng dường nắm cát sẽ tái sinh làm vua ở thành Ba-liên-phất. Vị vua ấy sẽ mang họ Khổng, tên A Dục, thống trị một vùng lãnh thổ rộng lớn, dùng chính Pháp để trị vì và xây dựng tám vạn bốn ngàn Tháp Pháp Vương để truyền bá xá lợi của Ta, đem lại hạnh phúc cho vô số chúng sinh.

Sau đó, Đức Phật hướng dẫn Tôn giả A-nan rải nắm cát ấy dọc theo con đường Ngài sẽ đi kinh hành.

Đại Đế Ashoka – Thân thế sự nghiệp và công đức hộ trì Phật Pháp

Thân thế

Ashoka Đại Đế (Vua A Dục) là một trong những vị đại đế vĩ đại của Ấn Độ, nổi bật sau thời Đức Phật và được biết đến như một cư sĩ đại hộ Pháp vĩ đại, khó có vị vua nào trước đó có thể sánh bằng. Tên tuổi của Ashoka Đại Đế gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa Phật giáo, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử.

Ngài xuất hiện vào thế kỷ III trước Công nguyên, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn. Đại Đế Asoka là con trai của vua Tần Đầu Sa La (Bindusàra) cai trị vùng Cam-pa-la. Ngài có một người em trai là Hoàng đệ Vi-ta-so-ka, người sau này đã xuất gia và đắc quả A-la-hán.

Chân dung Ashoka Đại Đế

Chân dung Ashoka Đại Đế

Sự nghiệp

Thuở niên thiếu, Hoàng tử Ashoka không được vua cha Tần Đầu Sa La yêu thương hay nuông chiều, bởi ngoại hình của ngài không được ưa nhìn, với dáng vẻ thô kệch và tay chân nhám nhúa. Mặc dù vậy, tài năng của Hoàng tử Ashoka lại vượt trội hơn hẳn so với các anh em cùng cha khác mẹ.

Trong thời gian đó, đất nước thường xuyên bị các xứ lân cận quấy nhiễu và xâm lấn. Vua Tần Đầu Sa La, do không thích Hoàng tử Ashoka, thường cử ngài ra chiến trường với lực lượng quân đội yếu kém, vũ khí và binh mã không đầy đủ. Tuy nhiên, nhờ tài thao lược xuất chúng, Hoàng tử Ashoka luôn giành chiến thắng trở về.

Trong số các hoàng tử khác, Hoàng tử Su-si-ma là người được vua cha đặc biệt ưu ái và chọn làm Đông cung Thái tử kế vị. Nhưng Su-si-ma, với tính cách kiêu ngạo và hung hãn lại không được lòng văn võ bá quan nên các quan đại thần đã chờ đợi cơ hội để đưa Hoàng tử Ashoka lên ngôi.

Cơ hội ấy đến khi xứ Ta-ka-si-la nổi loạn. Vua Tần Đầu Sa La sai Thái tử Su-si-ma dẹp loạn nhưng thất bại thảm hại. Trước tin dữ, vua lâm bệnh nặng và lệnh cho Hoàng tử Ashoka dẫn binh tiếp ứng. Tuy nhiên, các đại thần đã xúi giục Hoàng tử Ashoka cáo bệnh, từ chối xuất quân.

Khi bệnh tình của vua Tần Đầu Sa La ngày càng trầm trọng, các đại thần đã khẩn cầu vua nhường ngôi cho Hoàng tử Ashoka. Mặc dù vua không đồng ý, các quan vẫn tự mình tôn A Dục lên ngôi. Vua quá tức giận, thổ huyết mà băng hà.

Khi hay tin, Thái tử Su-si-ma vội vã kéo quân về thành Hoa Thị (Pātaliputta) để tranh giành ngôi báu. Hoàng tử Ashoka đã lập mưu diệt trừ Su-si-ma.

Sau khi loại bỏ được Su-si-ma, Ashoka Đại Đế liền trừng phạt những quan thần từng khinh thường mình vì ngoại hình xấu xí, bằng cách bắt giết họ. Nhà vua còn cho xây dựng Địa Ngục Bồng Lai, một nơi có vẻ ngoài tươi đẹp nhưng bên trong lại là cảnh tượng kinh hoàng với nhiều hình phạt tàn bạo.

Ashoka Đại Đế nổi tiếng là một người hiếu sát. Ngài đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt các nước chư hầu, gây ra nhiều đau thương và thảm cảnh. Đặc biệt, trong cuộc chiến tại xứ Ka-lin-ga, hàng trăm nghìn binh sĩ đã bị giết, mười lăm vạn quân bị bắt làm tù binh và vô số dân thường bị sát hại, thi thể chất cao như núi, máu chảy thành sông.

Sự tàn bạo và khát máu của Ashoka Đại Đế khiến dân chúng khiếp sợ và gán cho ông danh hiệu “Ác vương A Dục” (Caṇḍāsoka).

Nhân duyên quy hướng Tam Bảo 

Một ngày nọ, một vị Tỳ kheo trẻ tuổi tên Sa-mu-da đến thành Hoa Thị để khất thực. Khi đi ngang qua chốn Địa Ngục Bồng Lai, thấy cảnh đẹp mát mẻ, ngài dừng chân nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bọn cai ngục tại đây phát hiện và bắt giữ ngài, đưa vào đại lao.

Bị giam cầm, Tỳ kheo Sa-mu-da vẫn duy trì sự tinh tấn, lấy khổ đau của luân hồi làm chủ đề thiền quán, không ngừng nỗ lực thiền định. Chỉ trong vài ngày, ngài đã chứng đắc thần thông và đạt quả A-la-hán.

Đến ngày thứ tám, khi bọn cai ngục dẫn ngài ra để hành hình, bỏ vào chảo dầu sôi, ngài Sa-mu-da nhập định một cách thản nhiên, không hề bị tổn hại. Nghe tin về sự việc kỳ lạ này, Ashoka Đại Đế liền đến tận nơi để xem xét.

Khi đó, ngài Sa-mu-da từ từ bay lên không trung, ngồi kiết già một cách uy nghi. Trước cảnh tượng phi thường, Ashoka Đại Đế sinh tâm kính sợ, lập tức chắp tay đảnh lễ và xin ngài Sa-mu-da giải thích về điều huyền diệu.

Đại đức Sa-mu-da liền thuyết giảng Pháp, khuyên vua từ bỏ điều ác, hướng thiện, mở lòng từ bi để mang lại an lạc cho muôn dân. Ngài cũng nhắc Ashoka Đại Đế về lời tiên tri của Đức Phật từ 200 năm trước, rằng Ashoka Đại Đế sẽ trở thành bậc Thánh vương hộ trì Phật Pháp, đóng góp to lớn vào việc phụng thờ xá lợi và truyền bá Chánh pháp.

Nghe những lời giảng giải sâu sắc, Ashoka Đại Đế vô cùng xúc động, khởi lên lòng tịnh tín đối với Tam Bảo. Vua quỳ xuống, thưa rằng:

Bạch Đại đức, từ trước đến nay trẫm đã tạo nhiều nghiệp ác. Nay trẫm xin thành tâm sám hối và nguyện phục thiện. Trẫm xin quy y Tam Bảo và nguyện làm điều lành từ nay cho đến suốt đời.

Đại đức Sa-mu-da hoan hỷ nói: “Sādhu! Lành thay, lành thay!” Rồi ngài biến mất.

Từ đó, Ashoka Đại Đế liền ra lệnh phá hủy chốn Địa Ngục Bồng Lai và bắt đầu tận tâm hộ trì Phật Pháp, hướng dẫn dân chúng sống đạo đức theo tinh thần Phật giáo. Thấy sự thay đổi trong tâm tính của nhà vua, thần dân gọi ngài với mỹ danh Pháp Vương A Dục hay Minh Vương A Dục (Dhammāsoka).

Phục hưng đánh dấu thánh tích

Nhờ Ashoka Đại Đế áp dụng chánh Pháp vào chính sách cai trị, đất nước Ấn Độ thời bấy giờ trở nên thái bình, dễ quản lý và trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất.

Sau khi thống nhất toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ và trở thành một vị Đại Đế quyền lực của cả các nước chư hầu (những vùng thuộc địa của Ấn Độ xưa), Ashoka Đại Đế đã quy y Phật giáo. Ông đích thân đến thành Vương Xá (Rājagaha) để thỉnh toàn bộ xá lợi Phật về thành Hoa Thị.

Ashoka Đại Đế cũng ra lệnh cho sáu vị vua chư hầu nộp lại toàn bộ xá lợi Đức Phật tại đất nước họ – số xá lợi từng được chia tại Câu Thi Na (Kusinārā) sau khi Đức Phật viên tịch. Sau đó, vua đã yêu cầu chế tác 84.000 hộp nhỏ bằng vàng với thiết kế tinh xảo, cùng 84.000 bình lớn hơn cũng làm từ vàng, để chia đều xá lợi thành 84.000 phần và an trí vào những hộp và bình này.

(Con số “84.000” là một thành ngữ phổ biến ở Ấn Độ thời bấy giờ, không chỉ con số cụ thể mà ngụ ý chỉ một số lượng rất lớn và không xác định.)

Sau khi hoàn thành việc phân chia, Ashoka Đại Đế đã cho phân phát xá lợi khắp đất nước. Ở bất kỳ nơi nào có 10 triệu dân, hoặc tại các địa điểm liên quan đến cuộc đời Đức Phật, vua đều cho xây tháp thờ xá lợi.

Ashoka Đại Đế cũng khuyến khích Hoàng đệ Vi-ta-so-ka xuất gia theo Phật giáo, đồng thời khuyến tấn hai người con của mình là Hoàng tử Ma-hê-đà (Mahinda) và công chúa Tăng-già-mật (Saṅghamittā) xuất gia. Cả ba đều đạt đến quả vị A-la-hán.

Ngoài ra, Ashoka Đại Đế đã xây dựng vô số công trình và đền thờ được chạm trổ các sự tích về Đức Phật, đồng thời khắc những chỉ dụ của mình trên bia đá để khuyên dân chúng sống theo chánh Pháp. Ông cũng cho dựng các cột trụ tại bốn Thánh địa nơi Đức Phật đản sanh, thành đạo, chuyển Pháp luân và nhập niết bàn để lưu giữ dấu tích của Ngài.

Nhờ công lao của Ashoka Đại Đế, các Phật tử ngày nay có thể chiêm bái những địa điểm thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật.

Trụ đá Ashoka Đại Đế

Trụ đá Ashoka Đại Đế

Sau khi hai người con xuất gia, Ashoka Đại Đế đã trở thành người thừa kế tinh thần của Phật giáo và ngày càng củng cố lòng tin đối với Tam Bảo. Mỗi ngày, ông đều dành ra 500.000 đồng tiền vàng (Kahāpana) để cúng dường đầy đủ tứ sự cho chư Tăng.

Tuy nhiên, vì lòng hào phóng của vua, nhiều tu sĩ ngoại đạo đã trà trộn vào Tăng đoàn Phật giáo. Bên ngoài, họ sống trong cảnh thiếu thốn, nhưng khi vào Tăng đoàn họ lợi dụng danh nghĩa để thọ hưởng lợi lộc dù vẫn giữ những hành vi phi pháp và tà kiến.

Điều này đã khiến nội bộ Tăng đoàn rối loạn, không thể thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong suốt bảy năm. Cuối cùng, chư Tỳ kheo đã báo cáo tình trạng này lên vua.

Với đức tin sâu sắc vào Phật pháp và cảm thấy mình có trách nhiệm bảo vệ, chấn hưng Phật giáo, Ashoka Đại Đế đã tìm hiểu chánh Pháp từ Thánh Tăng Mục-kiền-liên-tử Đế-tu (Mog-galliputtatissa). Ông triệu tập tất cả chư Tỳ kheo trong thành để tham dự một cuộc họp tại chùa A-sa-ka-ra-ma, tổ chức một cuộc vấn đạo.

Ashoka Đại Đế tự mình giám sát và khảo sát pháp luật từng vị Tỳ kheo, dưới sự chứng minh của chư Trưởng lão. Kết quả, ông đã thanh lọc và loại bỏ 60.000 Tỳ kheo giả mạo, buộc họ hoàn tục và trở về đời sống cư sĩ.

Kết tập kinh điển

Sau khi hàng ngũ Tăng chúng được thanh lọc, Trưởng lão Mục-kiền-liên-tử Đế-tu đã triệu tập 6 triệu vị Tỳ kheo để tiến hành Tăng sự Bố-tát (Uposatha). Ngài đã lựa chọn 1000 vị Tỳ kheo A-la-hán có tuệ phân tích xuất sắc, thông thạo tam tạng kinh điển và chú giải để thực hiện việc kết tập kinh điển.

Hộ trì và truyền giáo sang các nước

Hoàng Đế Ashoka không chỉ hộ trì chư Tăng để phát triển Phật giáo trong nước mà còn tích cực hỗ trợ việc truyền bá Phật giáo sang các quốc gia lân cận.

Vào năm Phật lịch 236, sau khi kết tập kinh điển, Trưởng lão Mục-kiền-liên-tử Đế-tu nhận ra rằng Phật giáo sẽ phát triển mạnh mẽ ở cả nước ngoài, không chỉ giới hạn ở Ấn Độ. Vì vậy, Ngài đã phái chín đoàn trưởng lão đi truyền bá Phật giáo sang các quốc gia láng giềng. Đức Ashoka Đại Đế đã dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ chín đoàn sứ giả này để họ có thể thuận lợi thực hiện sứ mệnh truyền đạo ở các xứ lân bang.

Cúng dường toàn bộ đất nước cho Tam Bảo

Với những công trình vĩ đại ấy, Ashoka Đại Đế đã trở thành một bậc cư sĩ đại hộ Pháp. Đến cuối đời, nhà vua vẫn tiếp tục nghĩ đến việc cúng dường Tam Bảo, để lại di ngôn rằng toàn bộ cõi đất Diêm Phù (Ấn Độ) sẽ được dâng hiến cho Tam Bảo.

Sau đó, các quan thừa hành đã phải dùng ngân khố quốc gia để mua lại giang sơn cho vị tân vương kế vị.

Hy vọng rằng qua câu chuyện này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời Ashoka Đại Đế và khởi tâm tán thán công đức to lớn của Ngài trong việc truyền bá và bảo vệ Tam Bảo. Chính nhờ sự phục hưng Thánh tích của Đại Đế Asoka mà ngày nay thế giới đã có thể xác nhận Như Lai là một nhân vật có thật trong lịch sử Ấn Độ.

Những thành tựu văn minh Ấn Độ Cổ Trung Đại nổi bật