Louis XIV – Vị Vua Mặt Trời Và Thời Kỳ Hưng Thịnh Của Pháp
Louis XIV, vị “Vua Mặt Trời” đã biến Pháp thành một đế chế hùng mạnh, thịnh vượng và đầy uy quyền. Với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo tài ba, ông không chỉ mở rộng lãnh thổ, củng cố quân đội mà còn phát triển mạnh mẽ văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc Pháp, đưa đất nước trở thành biểu tượng quyền lực của châu Âu trong suốt thế kỷ 17.
Sự ra đời của vua Louis XIV của Pháp
Vua Louis XIV được người dân Pháp tôn kính như món quà mà Thượng Đế ban tặng cho Hoàng Gia và Vương quyền nước Pháp. Sự ra đời của ông là niềm hy vọng lớn lao của cả hoàng gia và toàn dân, một niềm mong chờ kéo dài suốt 23 năm.
Vào thế kỷ 17, Hoàng hậu Anne sau khi kết hôn với vua Louis XIII đã nhiều lần mang thai nhưng cả 4 lần đều không thể giữ được đứa bé. Chỉ sau 23 năm, bà mới sinh hạ được một Hoàng tử. Chính vì điều này, vị Hoàng tử ấy được đặt tên là Louis-Dieudonné (Louis Chúa ban) để đánh dấu sự xuất hiện của ông như một điềm lành, mang lại may mắn cho cả nước Pháp.
Vua Louis XIV được dân chúng Pháp tôn vinh như món quà mà Thượng Đế đã ban cho vương quyền của đất nước.
Vua Louis 14 lên ngôi khi mới 5 tuổi
Khi Hoàng tử Louis-Dieudonné vừa tròn 5 tuổi, vua Louis XIII lâm bệnh nặng. Dự cảm tình trạng không khả quan, năm 1643 vua Louis XIII đã chuẩn bị mọi thứ cho việc kế vị của con trai, thiết lập Hội đồng Nhiếp chính để hỗ trợ Hoàng tử nhỏ tuổi lên ngôi.
Dù vua Louis XIII không muốn Hoàng hậu Anne đứng đầu Hội đồng Nhiếp chính nhưng mọi chuyện diễn ra trái với ý nguyện của ông và Hoàng hậu Anne vẫn đảm nhiệm vị trí này. Vua Louis XIV chính thức lên ngôi ở tuổi lên 5.
Do còn quá nhỏ, vua Louis XIV khi đó chỉ là vị vua trên danh nghĩa, với quyền lực thực tế nằm trong tay Hoàng hậu Anne và Hồng Y Mazarin. Quyền lực tập trung vào hai người đã khiến giới quý tộc không hài lòng, dẫn đến các cuộc nổi dậy. Nhiều quý tộc ở các tỉnh đã liên kết để chống lại sự chuyên quyền của thái hậu Anne và Hồng Y Mazarin.
Cuộc bạo động này còn có sự can thiệp của quân đội Tây Ban Nha, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế dài hạn cho nước Pháp. Trong thời gian này, Thái hậu Anne nhiều lần phải đưa vua Louis XIV rời hoàng cung để tránh sự truy đuổi của các thế lực đối lập.
Louis Dieudonné – Vị vua sùng đạo của nước Pháp
Được người dân gọi là “đứa con của Chúa” – món quà mà Thượng Đế đã ban tặng cho nước Pháp, vua Louis XIV là một người vô cùng sùng đạo. Ông luôn xem trọng nhiệm vụ bảo vệ và duy trì sự thịnh vượng của nhà thờ, coi đó là trách nhiệm thiêng liêng của mình.
Dù là ngày nào hay có sự kiện lớn đến đâu, ông vẫn luôn dành thời gian đến nhà thờ và tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ theo lịch trình đã định.
Những biến cố định hình nên vị vua Louis 14
Lên ngôi khi chỉ là một đứa trẻ, Vua Louis XIV sớm phải đối mặt với nhiều biến cố lớn. Ông nhận ra rằng chỉ khi nắm trọn quyền lực trong tay thì mới có thể mang lại sự thịnh vượng cho đất nước.
Năm 1661 khi Hồng Y Mazarin qua đời, vua Louis XIV chính thức tiếp nhận toàn bộ quyền lực, đánh dấu sự khởi đầu thực sự của Đế chế Louis XIV.
Đế chế Louis XIV ra đời khi Hồng Y Mazarin qua đời năm 1661
Nhận thức rõ các mối đe dọa tiềm tàng với nước Pháp, ông dồn toàn bộ tâm huyết vào việc trị vì, làm việc không ngừng nghỉ 8 giờ mỗi ngày và thận trọng trong việc chọn người tài. Chỉ những người thật sự tài giỏi và có đức mới được ông bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy cai trị.
Trong số đó, Jean Baptiste Colbert – Bộ trưởng Tài chính, là một nhân vật xuất sắc đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nước Pháp dưới thời vua Louis XIV. Nhờ biết cách chọn người tài và đặt họ đúng vị trí, Louis XIV đã dẫn dắt nước Pháp phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn công nghiệp.
Vua Louis thứ 14 và những đóng góp trong lịch sử nước Pháp
Về nghệ thuật
Ngay từ nhỏ, vua Louis XIV đã được giáo dục sâu rộng về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Điều này đã nuôi dưỡng trong ông con mắt tinh tường về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật.
Ông đã hết lòng ủng hộ các văn sĩ và nghệ sĩ trong nhiều thể loại, khuyến khích họ mang tài năng để nâng tầm nền nghệ thuật nước Pháp. Những nhà viết kịch lừng danh như Racine và Corneille đã được ông đề bạt và phát triển mạnh mẽ dưới triều đại của mình.
Về kiến trúc
Vua Louis XIV đã cho xây dựng cung điện Versailles, công trình được xem là biểu tượng của nghệ thuật đỉnh cao thế giới. Versailles hội tụ đầy đủ những chuẩn mực của nghệ thuật kiến trúc thời kỳ đó với sự đối xứng tinh tế, các hành lang cột cùng những bức tranh và tác phẩm lấy cảm hứng từ thần thoại cổ đại, pha trộn với phong cách Baroque của thế kỷ 17.
Cung điện Versailles
Quân đội Pháp
Vua Louis XIV đã xây dựng và huấn luyện một đội quân hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ, với quy mô lên đến 100.000 quân trong thời bình và 400.000 quân trong thời chiến. Nhờ vào tầm nhìn chiến lược, ông đã lãnh đạo quân đội Pháp giành lại các vùng đất lịch sử và mở rộng lãnh thổ thông qua các cuộc chinh phạt.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của quân đội Pháp và tinh thần hiếu chiến của vua Louis XIV đã khiến nhiều nước châu Âu phải liên minh lại nhằm kiềm chế sức mạnh Pháp. Liên minh bao gồm các quốc gia như Áo, Thụy Điển, Hà Lan và các lãnh thổ Đức.
Hành trình củng cố quyền lực của vua Louis XIV
Trước sự đe dọa từ liên minh châu Âu, vua Louis XIV đã hợp tác với Sébastien Le Prestre (Hầu tước xứ Vauban) – người có ảnh hưởng lớn tại Pháp, để xây dựng các pháo đài phòng thủ tại biên giới. Các pháo đài được thiết kế tinh vi, với hệ thống bệ pháo phức tạp giúp Pháp dễ dàng chống lại kẻ thù. Pháo đài Vauban trở thành biểu tượng của sự bất khả xâm phạm và là nỗi sợ cho quân xâm lược.
Tháng 9 năm 1688, vua Louis XIV lệnh cho hai tướng là Thống chế Duras và Vauban chỉ huy 30,000 quân tiến công các vùng đất bên sông Rhine, tạo nên vùng đệm giữa Pháp và Đức. Những cuộc tấn công quyết liệt này giúp Pháp kiểm soát được nhiều vùng đất chiến lược như Mannheim, Frankenthal, Oppenheim, Worms, Bingen, Kaiserslautern, Heidelberg, Speyer.
Sau gần tám năm chiến tranh, quân đội Pháp với sự lãnh đạo tài ba của vua Louis XIV đã phá tan khối liên minh châu Âu gồm Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và các vương công Đức. Tuy nhiên, đến năm 1694, nước Pháp rơi vào nạn hạn hán và mất mùa, khiến một phần quân đội phải trở về để ổn định tình hình trong nước. Để bảo toàn lực lượng, Pháp đã ký Hiệp ước Hòa Bình vào năm 1697, khép lại một thời kỳ chiến tranh đầy huy hoàng của Pháp.
Vua Louis XIV và nỗi nuối tiếc những ngày cuối đời
Suốt cuộc đời trị vì của mình, điều khiến vị vua kiệt xuất Louis XIV hối tiếc nhất chính là việc ông đã bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh không lối thoát, không thể giữ cho đất nước yên bình như ông mong muốn.
Trước khi qua đời, ông đã gửi lại lời nhắn nhủ cho người cháu yêu quý của mình: “Cháu ạ, một ngày nào đó cháu sẽ trở thành vị Quân chủ vĩ đại. Đừng lặp lại tính hiếu chiến của ta. Hãy hành xử theo lời dạy của Chúa và để thần dân kính trọng Người. Ta thật đau lòng khi thấy đất nước đã phải chịu đựng nhiều như vậy.”
Vua Louis XIV và nuối tiếc những ngày cuối đời
Dù trải qua nhiều thăng trầm, dưới sự dẫn dắt tài ba của vua Louis XIV, nước Pháp đã vươn mình thành một cường quốc mạnh mẽ. Được biết đến như “Vua Mặt Trời”, ông trở thành biểu tượng vĩ đại của lịch sử, trung tâm ảnh hưởng khắp châu Âu trong suốt triều đại của mình. Những di sản và sức ảnh hưởng của Louis XIV đã mang lại lòng tôn kính sâu sắc từ người dân Pháp, xứng đáng với mọi lời ca ngợi dành cho ông.
Vua Henry VIII – Quyền lực, tình yêu và sự thay đổi của Giáo hội Anh