Anglo Saxon – Khởi Nguồn Hình Thành Của Nước Anh Thời Trung Cổ
Người Anglo Saxon là một trong những dân tộc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa và lịch sử của nước Anh thời kỳ Trung Cổ. Họ không chỉ mang theo những truyền thống, phong tục mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến ngôn ngữ, tôn giáo và cấu trúc xã hội của vùng đất này.
Theo chân Mê Lịch Sử khám phá hành trình từ khi xuất hiện trên đảo Anh của người Anglo-Saxon cho đến những di sản còn mãi theo thời gian của họ, để hiểu hơn về một thời kỳ đầy biến động của lịch sử nhân loại.
Người Anglo Saxons đến từ đâu?
Người Anglo-Saxon có nguồn gốc từ Bắc Âu, nơi ngày nay gồm các quốc gia như Đức, Đan Mạch và Hà Lan. Với ba bộ tộc chính của họ là Angles, Saxons và Jutes.
Người Anglo-Saxon là một nhóm nông dân-chiến binh sống ở Anh cách đây hơn 1000 năm.
Ngôn ngữ của người Anglo-Saxons là tiếng Anh cổ, một dạng tiếng Anh sơ khai so với tiếng Anh mà chúng ta sử dụng hiện nay. Qua nhiều thế kỷ, tiếng Anh đã trải qua quá trình biến đổi từ tiếng Anh cổ thành tiếng Anh hiện đại nhưng vẫn giữ lại nhiều từ ngữ và âm thanh từ thời xa xưa.
Vào thế kỷ thứ 5, người Anglo Saxon bắt đầu định cư tại Kent, vùng đất ở phía Đông Nam nước Anh. Từ đó, họ dần mở rộng lãnh thổ về phía Nam và cả phía Bắc, chiếm những vùng đất trước đây thuộc về người Romano-British. Người Romano-British là hậu duệ từ sự hòa trộn giữa các bộ tộc Celtic bản địa và người La Mã đã sinh sống ở Anh trong nhiều thế kỷ.
Lịch sử về người Anglo-Saxon
Giai đoạn đầu của thời kỳ Anglo-Saxon trùng với thời kỳ Trung cổ của nước Anh, bắt đầu từ sau khi đế chế La Mã rút lui.
Vào khoảng những năm 400, tại miền Nam nước Anh, nằm dưới bức tường Hadrian, là một phần rìa của Đế chế La Mã phương Tây, thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc nổi dậy hoặc xâm lược nhưng vẫn luôn được củng cố trở lại. Đến khoảng năm 410, nước Anh thoát khỏi sự kiểm soát trực tiếp của đế quốc, bước vào giai đoạn thường được gọi là “hậu La Mã.”
Trong nửa sau thế kỷ thứ 6, bốn yếu tố chính đã định hình xã hội Anglo-Saxons:
— Vị thế và quyền tự do của nông dân.
— Sự hợp nhất các bộ lạc nhỏ thành các vương quốc lớn hơn.
— Sự trỗi dậy của tầng lớp quý tộc từ các chiến binh.
— Sự phát triển của phong trào tu viện Ireland do Thánh Finnian khởi xướng.
Năm 565, Columba, một tu sĩ người Ireland đã đến Iona trong tình trạng tự nguyện lưu đày. Tu viện Iona nhanh chóng trở thành một trung tâm tinh thần lớn và đã gây ảnh hưởng lan rộng từ Tây Scotland đến Tây Nam Ireland và thậm chí cả Bắc nước Anh thông qua tu viện chị em Lindisfarne. Peter Brown gọi đây là “đế chế tinh thần rộng lớn” và Michael Drout gọi đây là “Thời đại Hoàng kim” khi học thuật và kiến thức cổ điển phát triển mạnh mẽ.
Bản đồ chính trị của Anh vào khoảng năm 650 (tên các quốc gia được viết bằng tiếng Anh hiện đại); chữ màu đen biểu thị các vương quốc do người Anglo-Saxon cai trị.
Đến năm 660, bản đồ chính trị vùng hạ nước Anh đã ổn định với các vương quốc nhỏ hợp nhất thành các thực thể lớn hơn. Các vương quốc lớn bắt đầu thống trị các vương quốc nhỏ hơn và cấu trúc chính trị trở nên tập trung hơn.
Simon Keynes cho rằng thế kỷ 8 – 9 là thời kỳ phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ, mang lại sự ổn định cho vùng đất phía dưới sông Thames và phía trên sông Humber. Tuy nhiên, vùng đất giữa hai con sông này, đặc biệt là vương quốc Mercia, ngày càng trở nên hùng mạnh và có tầm ảnh hưởng.
Thế kỷ 9 chứng kiến sự trỗi dậy của Wessex, bắt đầu từ thời vua Egbert và đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Alfred Đại đế. Alfred đã bảo vệ thành công vương quốc của mình trước sự xâm lược của người Viking và trở thành vị vua Anglo Saxon quyền lực nhất. Ông được biết đến là một người học rộng, nhân từ và khôn ngoan với việc khuyến khích giáo dục, cải thiện luật pháp, quân đội và đời sống của người dân.
Trong suốt thế kỷ 10, các vị vua của Wessex mở rộng quyền lực lên Mercia, vùng Danelaw và cuối cùng là Northumbria, thiết lập nên một sự thống nhất chính trị tạm thời trên toàn nước Anh. Quyền lực của nhà vua tăng lên, các thể chế chính quyền được củng cố và trật tự xã hội được thiết lập. Tuy nhiên, xã hội này đã trải qua ba cuộc xâm lược trong thế kỷ 11 và cuối cùng bị người Norman chinh phục vào năm 1066.
Văn hóa và xã hội của người Anglo Saxon là gì?
Văn hóa Anglo-Saxons để lại nhiều dấu ấn đậm nét qua các di sản vật chất như kiến trúc, trang phục, văn bản và đồ tùy táng. Những yếu tố này phản ánh một xã hội có cấu trúc chặt chẽ, dựa trên mối quan hệ bộ lạc và quyền lực của các lãnh chúa.
Giới quý tộc tự xưng là vua, xây dựng các pháo đài và định vị bản thân dựa trên các giá trị tôn giáo. Mặc dù vậy, gia đình và dòng họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội. Điều này được chứng minh qua các nghiên cứu di truyền hiện đại, cho thấy cấu trúc di truyền của người Anh ngày nay vẫn phản ánh các đơn vị chính trị bộ lạc thời xưa.
Lòng trung thành của người Anglo Saxon dành cho cá nhân lãnh chúa chứ không phải cho một quốc gia trừu tượng. Điều này dẫn đến sự thay đổi triều đại thường xuyên và quyền lực của một vương quốc phụ thuộc vào năng lực của nhà vua.
Vua Alfred Đại đế đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển văn hóa Anglo-Saxon. Ông chia xã hội thành ba giai cấp: người cầu nguyện, người chiến đấu và người lao động. Mỗi giai cấp đều có vai trò riêng và được nhà vua cung cấp các nguồn lực cần thiết.
- Người cầu nguyện: Mặc dù Cơ đốc giáo là tôn giáo chính thức nhưng các tín ngưỡng dân gian vẫn tồn tại và hòa quyện với đạo Cơ đốc, tạo nên một hệ thống tín ngưỡng độc đáo.
- Người chiến đấu: Chiến tranh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Anglo Saxon và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội – văn hóa của họ.
- Người lao động: Nông nghiệp là nền tảng kinh tế và gia đình đóng vai trò trung tâm trong sản xuất và sinh hoạt.
Trong quá trình phát triển, xã hội Anglo-Saxon đã trải qua nhiều thay đổi. Các khu định cư được mở rộng và tổ chức chặt chẽ hơn, các dịch vụ công cộng được phát triển và các ngôi làng dần hình thành. Tuy nhiên, mối quan hệ gia đình và dòng họ vẫn giữ vai trò quan trọng trong suốt thời kỳ này.
Ngôi làng Anglo-Saxon West Stow được xây dựng lại vào thế kỷ 7, một đặc trưng của các ngôi làng nông dân Anglo-Saxon.
Văn hóa và xã hội Anglo Saxons là một hệ thống phức tạp, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và những ảnh hưởng từ bên ngoài. Mặc dù trải qua nhiều biến đổi, những giá trị cốt lõi của xã hội này vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa của nước Anh.
Người Anglo-Saxon không chỉ là những người kiến tạo nên một phần quan trọng của lịch sử Anh quốc, mà còn để lại dấu ấn vĩnh cửu trên nền văn hóa và xã hội châu Âu. Từ ngôn ngữ, luật pháp đến các giá trị văn hóa, họ đã góp phần hình thành nền tảng cho xã hội hiện đại.
Mặc dù thời kỳ Anglo Saxon đã qua từ lâu nhưng những di sản mà họ để lại vẫn tiếp tục sống mãi, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ phát triển quan trọng trong lịch sử nhân loại. Việc hiểu biết sâu về người Anglo Saxons không chỉ giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử nước Anh mà còn mở rộng tầm nhìn về sự tiến hóa của nền văn minh phương Tây.