Hé lộ nguyên nhân tại sao khủng long tuyệt chủng?

Loài khủng long từng thống trị Trái Đất trong hàng triệu năm nhưng đã bất ngờ biến mất khỏi hành tinh. Vậy điều gì đã khiến khủng long tuyệt chủng? Những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp hay những thay đổi lớn trong môi trường, mọi yếu tố đều có thể là nguyên nhân của sự biến mất này.

Khủng long tuyệt chủng khi nào?

Khủng long tuyệt chủng cách đây khoảng 66 triệu năm vào cuối kỷ Phấn Trắng, đánh dấu một trong những sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Trái Đất.

Sự kiện này, được gọi là sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – Paleogen (Cretaceous–Paleogene extinction event, hay K-Pg) và đã xóa sổ khoảng 75% các loài sinh vật, bao gồm toàn bộ loài khủng long không biết bay.

Khủng long tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng cách đây 66 triệu năm

Khủng long tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng cách đây 66 triệu năm trước

Tại sao khủng long bị tuyệt chủng?

Cách đây 66 triệu năm, một tiểu hành tinh đã lao xuống bán đảo Yucatan – Mexico, gây ra thảm họa khiến 3/4 các loài sinh vật trên Trái Đất bị xóa sổ, kết thúc kỷ nguyên của loài khủng long. Tiểu hành tinh này có đường kính ước tính từ 10-15 km, tạo ra miệng hố Chicxulub khổng lồ với đường kính 180 km và độ sâu 20 km.

Vụ va chạm này ngay lập tức gây ra cháy rừng, động đất, sóng xung kích mạnh và những cơn sóng thần khổng lồ.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều loài tuyệt chủng có thể là thảm họa khí hậu kéo dài nhiều năm sau đó. Khói bụi từ vụ nổ đã che phủ bầu trời, làm nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ do Reuters công bố.

Trước đây, nghiên cứu tập trung vào lượng lưu huỳnh và tro bụi do cháy rừng gây ra, nhưng kết quả mới nhất cho thấy bụi đóng vai trò quan trọng hơn so với dự đoán.

Tổng khối lượng bụi được ước tính vào khoảng 2.000 gigaton, tương đương 11 lần khối lượng của núi Everest.

Các nhà khoa học đã tiến hành mô phỏng dựa trên trầm tích từ khu khảo cổ Tanis ở bang Bắc Dakota, Mỹ, nơi lưu giữ bằng chứng về điều kiện khí hậu sau vụ va chạm.

Một đám mây bụi, chứa các hạt bụi mịn có kích thước từ 0,8-8 micromét, đã ngăn chặn quá trình quang hợp của thực vật trong vòng 2 năm và tiếp tục tồn tại trong khí quyển tới 15 năm sau đó, theo nghiên cứu của nhà khoa học hành tinh Cem Berk Senel từ Viện quan sát Hoàng gia Bỉ và Đại học Vrije Brussel, đăng trên tạp chí Nature Geoscience.

Nhiệt độ bề mặt Trái Đất khi đó giảm khoảng 15 độ C. “Khí hậu trở nên lạnh giá và tối tăm trong nhiều năm,” đồng tác giả Philippe Claeys nhận định.

Khi nhiệt độ giảm mạnh và thảm thực vật chết đi, các loài động vật ăn cỏ cũng bị diệt vong vì thiếu thức ăn, kéo theo sự tuyệt chủng của các loài săn mồi do không còn nguồn thức ăn.

Trong môi trường nước, sự biến mất của thực vật phù du cũng khiến chuỗi thức ăn dưới biển bị phá hủy.

Nhà khoa học Ozgur Karatekin, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết lưu huỳnh tồn tại trong khí quyển khoảng 8-9 năm, nhưng khói bụi có thể kéo dài đến 15 năm. Mất khoảng 20 năm để nhiệt độ Trái Đất trở lại mức trước va chạm.

Trái đất sau vụ va trạm 120 giờ bị bao phủ bởi lớp khói bụi

Trái đất sau vụ va trạm 120 giờ bị bao phủ bởi lớp khói bụi

Trong khi loài khủng long và phần lớn các loài bò sát dưới nước bị tuyệt chủng, các loài động vật có vú, đặc biệt là những loài có khả năng ngủ đông và không phụ thuộc vào một nguồn thức ăn duy nhất đã trở thành những sinh vật thống trị sau thảm họa.

Sự tuyệt chủng của khủng long là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Trái Đất. Dù nguyên nhân chính có thể là do va chạm của tiểu hành tinh, những yếu tố khác như biến đổi khí hậu, tro bụi che phủ bầu trời và sự sụp đổ của hệ sinh thái đã góp phần dẫn đến thảm kịch này. Điều này không chỉ kết thúc thời đại của loài khủng long mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của các loài động vật có vú, trong đó có tổ tiên loài người.

Top những con vật thời tiền sử kỳ lạ từng sống trên trái đất