Cách mạng tháng Tám: Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi này, Việt Nam đã giành lại quyền tự do sau gần 100 năm sống dưới ách thực dân, đánh đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm và mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng không chỉ mang lại sự tự chủ cho người Việt Nam mà còn truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Ý nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945

Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945 đã mang đến một bước ngoặt to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giai cấp ở Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước ra khỏi chế độ nô lệ và trao quyền làm chủ vận mệnh đất nước cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, xóa bỏ ách thống trị thực dân gần 100 năm và đã trao chính quyền về tay nhân dân, xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc.” Đây là sự thay đổi vĩ đại trong lịch sử nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Ngày Cách mạng tháng Tám thành công đã chính thức chấm dứt gần 100 năm cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập với vị thế quốc gia có chủ quyền trên bản đồ thế giới. Không chỉ vậy, Việt Nam còn thiết lập các mối quan hệ ngoại giao quốc tế với tư cách là một quốc gia độc lập.

Trước Cách mạng tháng Tám, Việt Nam trải qua thời kỳ dài chịu ách thống trị ngoại bang, bị xoá tên trên bản đồ dưới danh xưng “Đông Dương thuộc Pháp.” Nhân dân Việt Nam bị coi thường và mất quyền làm chủ trên chính quê hương mình. Nhưng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đất nước đã tái sinh và tên tuổi Việt Nam một lần nữa vang dội khắp năm châu.

Thắng lợi này cũng góp phần quan trọng trong quá trình xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến và thực dân – phát xít ở Việt Nam.

Trong một bài viết vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân.” Cách mạng tháng Tám không chỉ là sự lật đổ chế độ cũ mà còn xây dựng một xã hội mới, một chế độ dân chủ cộng hòa độc lập và thống nhất.

Cuộc cách mạng vĩ đại này cũng là sự thể hiện mạnh mẽ của tinh thần tự lực, tự cường và ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là minh chứng cho tư tưởng của Hồ Chí Minh về việc gắn kết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến bước trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, tiêu biểu là Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mang lại sự thống nhất toàn vẹn và sự tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Cách mạng tháng Tám đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường của một dân tộc nhỏ bé nhưng đầy khát vọng độc lập và tự chủ, mở đường cho sự phát triển của nước Việt Nam trong thời đại mới.

Ý nghĩa thời đại

Đối với phong trào giải phóng dân tộc toàn cầu, Cách mạng tháng 8 – 1945 không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn là tấm gương và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều quốc gia và dân tộc bị áp bức tại châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Cuộc cách mạng này đã góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của các phong trào độc lập ở các quốc gia láng giềng như Lào và Campuchia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã biến chúng ta trở thành một phần của đại gia đình dân chủ thế giới và có ảnh hưởng lớn đến hai nước bạn Miên và Lào, giúp họ cùng nổi dậy chống đế quốc, đòi lại độc lập.

Cách mạng tháng Tám đã chứng minh chân lý của thời đại: nếu các dân tộc bị áp bức kiên cường đấu tranh với một đường lối đúng đắn, đoàn kết vì độc lập và tự do, thì nhất định sẽ giành thắng lợi.

Nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản và tinh thần đoàn kết dân tộc, nhân dân Việt Nam đã thành công trong cuộc Cách mạng tháng Tám, đưa nước Việt Nam thoát khỏi chế độ nô lệ thực dân và phong kiến. Nhân dân ta lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền làm chủ đất nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Buổi mít tinh tổng khời nghĩa tháng tám năm 1945

Buổi mít tinh Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do và tiến bộ của nhân loại. Cuộc cách mạng này đã giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân cũ và góp phần vào sự suy yếu của chủ nghĩa phát xít.

Cách mạng tháng Tám không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng chung của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế. Báo Nhân dân Indonesia đã ca ngợi: “Nhân dân Việt Nam đã tự mình giành được vị thế vẻ vang nhất trên thế giới bằng sự chiến đấu anh dũng.

Thắng lợi này cũng là minh chứng rõ ràng cho tính cách mạng và khoa học của học thuyết Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Cách mạng tháng Tám đã tiếp nối thắng lợi của Cách mạng tháng mười Nga năm 1917 và chứng minh sự đúng đắn của con đường cách mạng mà học thuyết Mác-Lênin đã vạch ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bài viết: “Nhờ sự lãnh đạo của Đảng Mác-Lênin, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Mặc dù thời gian đã trôi qua, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đây là một trong những trang sử hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Không chỉ giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào mà những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và giành chính quyền toàn quốc.

Cách mạng tháng Tám là một bước ngoặt lịch sử quan trọng, mở ra kỷ nguyên độc lập và tự do cho Việt Nam. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự kết thúc của chế độ thực dân và phong kiến mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của một quốc gia độc lập, tự do và chủ quyền. Ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng vẫn còn nguyên giá trị, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và là nguồn động lực cho các thế hệ người Việt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.