Hé lộ nguyên nhân đế quốc Mông Cổ tan rã, sụp đổ

Đế quốc Mông Cổ, từng được coi là đế chế bất khả chiến bại với lãnh thổ bao phủ khắp Á – Âu. Nhưng điều gì đã khiến đế quốc Mông Cổ tan rã? Liệu có phải do những xung đột nội bộ, tranh chấp quyền lực giữa các vị vua kế nhiệm hay là những áp lực từ bên ngoài? Những nguyên nhân ẩn giấu đằng sau sự sụp đổ của đế chế khổng lồ này là gì?.

Những lí do khiến đế quốc Mông Cổ tan rã  

Nhà Nguyên cùng với ba Hãn Quốc lớn khác

Do lãnh thổ quá rộng lớn và khó quản lý, đế quốc Mông Cổ đã chia ra thành 4 Hãn Quốc chính:

— Hãn Quốc Kim Trướng:

Gồm các khu vực hiện tại như Nga, Ukraina, Moldova, Kazakhstan và phần lớn Đông Âu. Khả Hãn đầu tiên là Bạt Đô, con trai cả của Truật Xích và là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn.

Người Nga gọi Hãn Quốc này là “Kim Trướng” bởi người Mông Cổ sống trong các lều bạt và chỉ lều của Khả Hãn có màu vàng. Từ “Kim Trướng” có nghĩa là “Lều Vàng”.

Người Nga thời đó phải đóng thuế cho Hãn Quốc Kim Trướng để được bảo vệ trước các cuộc cướp phá từ phía Tây.

Bản đồ Hãn Quốc Kim Trướng

Bản đồ Hãn Quốc Kim Trướng

— Hãn Quốc Sát Hợp Đài:

Đây là Hãn Quốc của Sát Hợp Đài – con trai thứ hai của Thành Cát Tư Hãn.

Bản đồ Hãn Quốc Sát Hợp Đài

Bản đồ Hãn Quốc Sát Hợp Đài

— Hãn Quốc Oa Khoát Đài:

Oa Khoát Đài, con trai thứ ba và là người kế vị Thành Cát Tư Hãn đã thành lập Hãn Quốc mang tên mình. Sau đó, người cháu của ông là Hải Đô cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì Hãn Quốc Oa Khoát Đài.

— Hãn Quốc Y Nhi:

Đây là một Hãn Quốc lớn bao gồm các vùng lãnh thổ ngày nay là Mông Cổ, Iran, Iraq, Afghanistan, Turkmenistan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.

Bản đồ Hãn Quốc Y Nhi

Hãn Quốc Y Nhi

Sau này, Hãn Quốc Oa Khoát Đài được sáp nhập vào Hãn Quốc Sát Hợp Đài. Dù Hải Đô không giữ chức Khả Hãn, ông vẫn là người chọn ra Khả Hãn để cai quản Hãn Quốc và từ đó chỉ còn lại ba Hãn Quốc lớn.

Năm 1271, Đại Hãn Hốt Tất Liệt thành lập triều Nguyên, lấy danh hiệu Nguyên Thế Tổ và chuyển kinh đô đến Đại Đô (nay là Bắc Kinh). Đến năm 1279, sau khi đánh bại nhà Tống, lãnh thổ của đế quốc Mông Cổ mở rộng đạt đến đỉnh điểm với 24 triệu km², được quản lý bởi nhà Nguyên và ba Hãn Quốc lớn.

Tuy nhiên, mâu thuẫn và xung đột thường xuyên xảy ra giữa nhà Nguyên và ba Hãn Quốc. Dù Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt được coi là người có quyền lực tối cao nhưng ba Hãn Quốc không hoàn toàn phục tùng quyền cai trị của ông.

Bị đồng hóa bởi văn hóa bản địa

Mặc dù các cuộc xung đột nội bộ trong đế quốc Mông Cổ dần lắng xuống, nhưng đế chế vẫn suy yếu do tác động văn hóa. Các dân tộc bản địa dù bị chinh phục vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Do đó người Mông Cổ ở những vùng này dần bị đồng hóa theo văn hóa bản địa.

Tại Trung Hoa, triều đại nhà Nguyên chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán, trong khi Hãn Quốc Y Nhi dần bị Hồi giáo hóa, còn Hãn Quốc Sát Hợp Đài lại bị đồng hóa bởi các dân tộc Turk bản địa như các dân tộc như Kazakh, Uzbek, Kyrgyz, Uyghur, Azerbaijan, Turkmen, Tatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ năm 1295, các nhà cai trị của Hãn Quốc Y Nhi bắt đầu theo tín ngưỡng Hồi giáo. Tương tự, tại Hãn Quốc Sát Hợp Đài, người Mông Cổ dần bị đồng hóa bởi văn hóa Turk và quân đội của họ chủ yếu là người bản địa. Đến thế kỷ 14, Hãn Quốc Kim Trướng chính thức công nhận Hồi giáo là quốc giáo.

Những thay đổi nhanh chóng về văn hóa đã tạo ra mâu thuẫn và xung đột trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Các Hãn Quốc do tranh chấp quyền lợi đã thường xuyên giao tranh lẫn nhau làm suy yếu đế quốc. Khi quyền lực của tầng lớp cai trị Mông Cổ suy giảm, các dân tộc bản địa đã lợi dụng các mâu thuẫn này để từng bước làm suy yếu sự thống trị của người Mông Cổ.

Cuộc nội chiến

Năm 1285, nhà Nguyên dồn toàn lực tập trung quân đội và lương thực để tiến đánh Đại Việt ở phía Nam. Điều này gây ra gánh nặng lớn cho dân chúng, buộc họ phải cống nạp lương thực và thực hiện nhiều công việc lao dịch khó khăn.

Đến cuối năm 1287, quân Nguyên bắt đầu triển khai cuộc tấn công, nhưng vào năm 1288, họ chịu thất bại nặng nề và phải rút lui. Trận thua này làm suy yếu sức mạnh của nhà Nguyên, gây ra tình trạng bất ổn trong nước.

Trong khi đó các Hãn Quốc nhân cơ hội này cũng tấn công. Hải Đô, cháu nội của Đại Hãn Oa Khoát Đài đã gây ảnh hưởng đến Hãn Quốc Sát Hợp Đài để tiến công vào nhà Nguyên.

Trước tình thế khẩn cấp, Hốt Tất Liệt buộc phải tự thân dẫn quân ra phía Bắc để ứng phó. Cuộc chiến kéo dài nhiều năm làm cho Đế quốc Mông Cổ càng suy yếu hơn.

Hải Đô đã đưa Đô Oa lên làm Khả Hãn của Sát Hợp Đài, sau đó thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công vào Hãn Quốc Y Nhi.

Năm 1294, sau khi Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt qua đời, Hải Đô lợi dụng tình hình để đưa quân của Hãn Quốc Sát Hợp Đài tiến công nhà Nguyên. Nguyên Thành Tông, người kế vị đã tổ chức lực lượng chống trả, kéo dài cuộc chiến trong nhiều năm.

Đến năm 1300, Nguyên Thành Tông mở cuộc tấn công lớn. Năm 1301, quân Nguyên tiến vào Cáp Lạp Hòa Lâm (kinh đô cũ của Mông Cổ), Hải Đô bị đánh bại và qua đời không lâu sau đó. Đô Oa, người kế vị, buộc phải đầu hàng quy phục và triều cống nhà Nguyên.

Nguyên Thành Tông với tư tưởng hòa bình cho rằng tất cả đều là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và là huynh đệ với nhau, vì vậy việc tiếp tục chiến tranh chỉ làm suy yếu cả hai bên. Ông chấp thuận hòa bình và thiết lập quan hệ giao hảo.

Đến năm 1304, con trai của Hải Đô là Đô Oa cùng các Hãn Quốc Kim Trướng và Y Nhi đồng lòng gửi thư lên Nguyên Thành Tông, chính thức chấm dứt các hiềm khích trước đây. Họ cùng tôn Nguyên Thành Tông làm Chúa tể tối cao, khôi phục hòa bình và xây dựng bang giao giữa các Hãn Quốc.

Người bản địa giành quyền tự trị

Năm 1346, tại Hãn Quốc Sát Hợp Đài, một tù trưởng nổi dậy giết Đại Hãn Hợp Tán, giúp các bộ lạc bản địa giành quyền kiểm soát khu vực Transoxiana (nay là Uzbekistan, Tajikistan, miền nam Kyrgyzstan và tây nam Kazakhstan). Dù hậu duệ Thành Cát Tư Hãn vẫn được giữ trên ngai vàng nhưng chỉ mang tính hình thức.

Năm 1358, Thốc Hốt Lỗ từ phía Đông tấn công phía Tây nhằm tái lập trật tự nhưng các thủ lĩnh Turk cử Thiếp Mộc Nhi (Timur) đến gặp và thương lượng, tạo nên liên minh mới. Với sự ủng hộ của dân chúng, Thiếp Mộc Nhi dần làm chủ vùng Transoxiana.

Trong khi đó đại dịch “Cái chết đen” năm 1340 làm suy yếu Hãn Quốc Kim Trướng và các Công quốc Nga liên minh chống lại sự cai trị của Mông Cổ.

Năm 1380, trong trận Kulikovo, quân Nga đánh bại Mông Cổ đánh dấu chiến thắng đầu tiên quan trọng của Nga, khởi đầu quá trình giành lại độc lập từ tay Mông Cổ.

Thống nhất hai miền Hãn Quốc Kim Trướng

Tại Hãn Quốc Kim Trướng, Thoát Thoát Mê Thất, hậu duệ của Truật Xích (con trưởng của Thành Cát Tư Hãn), đã không phục tùng Hãn Quốc Thanh Trướng và nhiều lần tiến quân tấn công nhưng đều thất bại buộc phải chạy sang Transoxiana, thuộc Hãn Quốc Sát Hợp Đài, để nương nhờ Thiếp Mộc Nhi.

Sau khi xác nhận Thoát Thoát Mê Thất là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, Thiếp Mộc Nhi đã hỗ trợ xây dựng quân đội cho ông. Đến năm 1379, Thoát Thoát Mê Thất tiến quân đánh chiếm Thanh Trướng Hãn Quốc, kiểm soát kinh đô Sarai và giành quyền kiểm soát Thanh Trướng.

Năm 1380, trong khi quân Mông Cổ thất bại trước người Nga tại trận Kulikovo, Thoát Thoát Mê Thất tận dụng cơ hội, vượt sông Volga và tấn công Bạch Trướng Hãn Quốc thống nhất hai miền Đông – Tây của Hãn Quốc Kim Trướng. Kết quả là người Nga phải đầu hàng và tiếp tục cống nạp.

Sự suy yếu của Hãn Quốc Y Nhi

Hãn Quốc Y Nhi gồm các vùng đất rộng lớn từ Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq, Syria đến một phần Tân Cương ngày nay.

Năm 1335, Đại Hãn qua đời mà không có người kế vị, Tể tướng đưa Dã Xưng Vi lên ngôi. Tuy nhiên, vì Dã Xưng Vi không ủng hộ đạo Hồi nên cả người Ba Tư, người Thổ và người Mông Cổ đều không tuân phục dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài, khiến Hãn Quốc Y Nhi phân rã thành 6 nước nhỏ.

Lợi dụng tình hình này, năm 1381, Thiếp Mộc Nhi từ Hãn Quốc Sát Hợp Đài đưa quân tấn công và chiếm được phía đông Ba Tư vào năm 1385. Cùng lúc, Thoát Thoát Mê Thất từ Hãn Quốc Kim Trướng tiến quân chiếm thành Tabriz, một thành phố lớn của Iran, thu về nhiều chiến lợi phẩm và nô lệ.

Cuộc chiến giữa Thoát Thoát Mê Thất và Thiếp Mộc Nhi

Thiếp Mộc Nhi gửi thư yêu cầu Thoát Thoát Mê Thất của Hãn Quốc Kim Trướng ngừng lợi dụng cuộc chiến với Y Nhi nhưng không nhận được hồi đáp.

Năm 1386, khi trú quân tại Azerbaijan, Thiếp Mộc Nhi bất ngờ đối đầu với quân Kim Trướng. Dù bị đánh bất ngờ, quân Sát Hợp Đài vẫn kiên cường chống đỡ. Thiếp Mộc Nhi suýt bị bắt nhưng con trai ông, Miran Shah, kịp thời giải vây. Quân Kim Trướng bị đuổi về biên giới và Thiếp Mộc Nhi tha cho nhiều tù binh.

Từ năm 1388 đến 1399, Kim Trướng liên tục tấn công Hãn Quốc Sát Hợp Đài.

Trận lớn nhất diễn ra ở sông Kondurcha năm 1391, khi quân Kim Trướng thất bại dưới tay Thiếp Mộc Nhi. Sau đó, Thiếp Mộc Nhi tiến vào lãnh thổ Kim Trướng nhưng quyết định rút quân khi gần đến Moskva do không muốn đối đầu với người Nga. Trước khi rút lui, ông đưa Hốt Cách Lỗ Đặc lên làm Đại Hãn bù nhìn.

Năm 1395, Thiếp Mộc Nhi tiếp tục tấn công Kim Trướng, giành chiến thắng quyết định tại sông Terek, khiến Thoát Thoát Mê Thất phải tháo chạy. Khi quân Mông Cổ tiến gần Moskva, người Nga hoảng loạn và cầu nguyện được cứu rỗi. Đột nhiên, quân Mông Cổ rút lui mà không tấn công Moskva để lại nhiều đồn đoán về nguyên nhân của sự rút quân bất ngờ này.

Thiếp Mộc Nhi – Đấng Chiến thắng của Thế giới

Thiếp Mộc Nhi đã chiếm Hãn Quốc Y Nhi tại Ba Tư, kiểm soát Moskva trong một năm và tiến hành chinh phục khắp châu Âu và châu Á, trở thành một trong những kẻ chinh phục vĩ đại nhất thời đó.

Khi nhà Minh đánh đuổi người Mông Cổ, Thiếp Mộc Nhi không thể chấp nhận nhưng đang bận rộn với các cuộc chinh phục có cả Ấn Độ.

Đến năm 1404, ông liên minh với Bắc Nguyên và tiến quân đánh nhà Minh với 20 vạn quân. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Kazakhstan khiến quân đội phải dừng lại.

Đầu năm 1405, Thiếp Mộc Nhi bị cảm lạnh và qua đời vào tháng 2 khiến cuộc viễn chinh bị hủy bỏ. Ông được an táng tại Samarkand, với tấm bia ghi nhận ông là “Đấng Chiến thắng của Thế giới”.

Nội chiến Hãn Quốc Sát Hợp Đài

Trước khi qua đời, Thiếp Mộc Nhi chọn cháu mình là Pir Muhammad kế vị. Tuy nhiên, các con cháu khác không chấp nhận và nổi loạn dẫn đến hàng loạt cuộc xưng Hãn và nội chiến khiến nhiều người bị giết.

Sau khi Shah Rulkh lên ngôi, các đối thủ đã bị loại trừ nhưng ông phải liên tục đối phó với các cuộc nổi dậy từ các thủ lĩnh bản địa khiến cho lãnh thổ dần bị thu hẹp.

Năm 1447, Shah Rulkh qua đời, con cháu ông lại tranh giành ngôi báu, kéo dài cuộc nội chiến hơn 50 năm.

Đến năm 1495, Babur, người cháu đời thứ 6 của Thiếp Mộc Nhi lên ngôi Đại Hãn khi mới 12 tuổi nhưng phải đối mặt với sự tranh chấp từ họ hàng. Không thể giữ lãnh thổ, Babur rời sang Ấn Độ và năm 1524 thành lập triều đại Mogul tại đây.

Sự tan rã của đế quốc Mông Cổ là hệ quả của nhiều yếu tố đan xen, từ sự phân chia quyền lực nội bộ đến áp lực từ các đối thủ bên ngoài. Khi các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn tranh giành quyền kiểm soát, đế quốc rộng lớn dần suy yếu và mất đi sự thống nhất.

Đế quốc Mông Cổ tan rã không chỉ do những cuộc chiến tranh liên miên mà còn bởi sự mất kiểm soát của một đế chế quá lớn để có thể duy trì vững mạnh.