Tóm Tắt Lịch Sử Hàn Quốc Qua 7 Triều Đại Hùng Mạnh
Tóm tắt lịch sử Hàn Quốc qua nhiều thăng trầm với 7 triều đại, mỗi triều đại đều để lại những dấu ấn sâu đậm. Từ triều đại Go-Joseon cổ đại, đế chế hùng mạnh Goguryeo, Baekje, Shilla đến thời kỳ thống nhất dưới triều đại Joseon và quá trình phát triển hiện đại, Hàn Quốc đã vượt qua nhiều biến động để trở thành một quốc gia thịnh vượng.
Thần thoại Dangun và thời kỳ Chosun cổ đại
Theo truyền thuyết, Hoàng tử Hwan Woong – con trai của Ngọc hoàng Hwan In đã xuống hạ giới cùng các vị thần Gió, Mây và Mưa để giúp đỡ loài người. Ông cùng 3000 thuộc hạ chọn một khu rừng gỗ đàn hương trên sườn núi Taebaek (nay là núi Myohyangsan) làm nơi trú ngụ và dựng nên thành Shinshi.
Một ngày nọ, gấu và hổ đến cầu xin Hoàng tử để được hóa thân thành người. Hoàng tử chấp nhận và yêu cầu chúng phải tránh ánh nắng mặt trời trong 100 ngày, chỉ ăn ngải cứu và tỏi. Cuối cùng, gấu đã thành công và hóa thành thiếu nữ xinh đẹp Woongnyo trong khi hổ thất bại. Hoàng tử Hwan Woong đã hóa thân thành người và kết hôn với nàng Woongnyo, sinh ra con trai tên Dangun.
Theo lịch sử Hàn Quốc thời Chosun cổ đại, Dangun lớn lên rồi đến năm 2333 TCN, ông đã thống nhất các bộ tộc quanh khu vực Liêu Ninh và Tây Bắc Triều Tiên, lập nên nhà nước Go-Joseon, trở thành vị vua đầu tiên của triều đại Chosun cổ. Dangun được cho là đã trị vì trong 1500 năm trước khi hóa thân thành Thần Núi.
Triều đại Chosun kết thúc vào năm 108 TCN sau khi thua trong cuộc chiến với nhà Hán của Trung Quốc, đánh dấu sự sụp đổ của triều đại này.
Lịch sử Hàn Quốc thời Tam Quốc (37 TCN – 668 SCN)
Từ năm 37 TCN, ba vương quốc phong kiến mới xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên: Goguryeo, Baekje và Shilla, tạo nên thời kỳ Tam Quốc. Trong suốt thời kỳ này, các vương quốc vừa liên minh vừa đối đầu lẫn nhau để củng cố quyền lực.
Goguryeo (37 TCN – 668 SCN)
Goguryeo là vương quốc mạnh nhất trong ba vương quốc, nằm ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu (Trung Quốc ngày nay). Vương quốc này được thành lập bởi Jumong (Đông Minh Thánh Vương), một thủ lĩnh của bộ tộc Buyeo. Goguryeo luôn là một thế lực quyền lực, thường xuyên xung đột với các triều đại Trung Quốc vì vị trí chiến lược trên tuyến đường vào bán đảo Triều Tiên.
Sau sự sụp đổ của triều đại Choson, Goguryeo đã thu phục được các lực lượng quân Daebang và quân Nakrang mà Trung Quốc đang kiểm soát. Năm 598, Goguryeo đã đánh bại quân Tùy, khẳng định vị thế là vương quốc hùng mạnh nhất Đông Bắc Á.
Baekje (18 TCN – 660 SCN)
Baekje kiểm soát khu vực phía Tây Nam của bán đảo Triều Tiên. Theo truyền thuyết, hai người con trai của vua Đông Minh Thánh Vương là Onjo và Biryu đã thành lập Baekje vào năm 18 TCN. Mối quan hệ căng thẳng với Goguryeo luôn diễn ra do Baekje là vương quốc do các hoàng tử bị vua cha trục xuất lập nên.
Baekje mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách thiết lập quan hệ với các vương quốc Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh liên miên với Goguryeo và Shilla đã làm suy yếu Baekje, dẫn đến sự diệt vong vào năm 660 SCN. Sau đó, nhiều người dân Baekje di cư sang Nhật Bản, góp phần vào sự phát triển của văn hóa nước này.
Hình ảnh minh họa cuộc chiến tranh thời kỳ Tam quốc
Shilla (57 TCN – 668 SCN)
Được thành lập vào năm 57 TCN, Shilla là vương quốc “sinh sau đẻ muộn” trong ba vương quốc, nằm ở phía Đông Nam bán đảo Triều Tiên. Shilla được hình thành từ sự kết hợp của các bộ tộc bản địa và những người thuộc nền văn minh tiên tiến bên ngoài.
Shilla nhanh chóng phát triển thành một vương quốc mạnh mẽ về cả chính trị, quân sự và văn hóa. Bằng cách liên minh với triều đại Đường của Trung Quốc, Shilla đã đánh bại Goguryeo và Baekje, thống nhất bán đảo Triều Tiên vào năm 668 SCN, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.
Thời kỳ Shilla thống nhất (668 – 935)
Sau khi thống nhất ba vương quốc trên bán đảo Triều Tiên, Shilla đã đối mặt với âm mưu xâm lược của nhà Đường Trung Quốc, khi nhà Đường thể hiện rõ tham vọng cai trị toàn bộ bán đảo.
Trước tình hình này, Shilla đã kêu gọi sự ủng hộ của người dân và các tàn quân Goguryeo để cùng đứng lên chống lại sự thống trị của nhà Đường. Đến năm 676, Shilla thành công trong việc giải phóng hoàn toàn đất nước.
Dưới thời kỳ thống nhất, Shilla phát triển rực rỡ đặc biệt về văn hóa và tôn giáo với Phật giáo đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ VIII, nội chiến và sự suy đồi của tầng lớp quý tộc đã đẩy vương quốc vào tình trạng hỗn loạn. Cuối cùng, triều đại Shilla sụp đổ và đất nước được thống nhất trở lại dưới thời Goryeo.
Tóm tắt lịch sử Hàn Quốc thời Goryeo – Cao Ly (918 – 1392)
Vào năm 918, Thái tổ Wang Geon sáng lập triều đại Goryeo, chọn Song-ak (nay là Gaesong) làm kinh đô. Đến năm 935, Goryeo đánh bại Shilla và năm 936 tiếp tục lật đổ triều đại Hậu Baekje, tái thống nhất hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Pho tượng Đại sư Hy Lãng
Trong lịch sử Hàn Quốc, triều đại Goryeo kéo dài qua 34 đời vua và ghi dấu ấn với phát minh lớn nhất là bản in chữ kim loại rời đầu tiên trên thế giới vào năm 1234. Goryeo cũng tiếp tục duy trì Phật giáo là tôn giáo chủ đạo và thực hiện các chính sách mở rộng lãnh thổ với chiến lược “Bắc tiến.”
Tuy nhiên, Goryeo phải đối mặt với sự xâm lược của quân Nguyên từ Mông Cổ, buộc triều đình phải thần phục. Khi nhà Nguyên suy yếu và bị lật đổ bởi nhà Minh, Goryeo lấy lại quyền lực. Thế nhưng, triều đại này cuối cùng cũng bị lật đổ bởi võ tướng Lee Seong-gye, người đã nắm quyền và sáng lập triều đại mới, mở ra thời kỳ Joseon.
Lịch sử Hàn Quốc thời Joseon (1392 – 1910)
Triều đại Joseon được thành lập bởi Thái tổ Lee Seong Gye dựa trên nền tảng tư tưởng Nho học. Thời kỳ này được biết đến với sự xuất hiện của nhiều nhân vật vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc. Không giống như các triều đại trước đây thường chuyển giao quyền lực thông qua binh biến, ở triều đại Joseon quyền lực được chuyển giao theo hình thức nhường ngôi, thể hiện sự ổn định về chính trị.
Mặc dù vua có quyền lực tối cao nhưng họ phải chịu ảnh hưởng lớn từ các học giả Nho giáo, những người cũng nắm giữ quyền lực chính trị đáng kể theo triết lý Nho học. Các quyết định của vua và triều đình phải tuân theo triết lý và nguyên tắc chặt chẽ của học thuyết này.
Thời đại Joseon chứng kiến sự phát triển vượt bậc về văn hóa và khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, dưới triều đại của Vua Sejong (1394 – 1450), bảng chữ cái Hangeul được phát minh vào năm 1446, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngôn ngữ Hàn Quốc. Ngoài ra, vua Sejong cũng thúc đẩy phát triển các phát minh khoa học như đồng hồ nước, thước đo mưa và đồng hồ mặt trời, thể hiện tầm nhìn và tài năng của ông.
Tượng vua Sejong tại quảng trường Gwanghwamun
Tuy nhiên xã hội Joseon lại chú trọng quá mức vào học thuật, trong khi thương mại và sản xuất bị xem nhẹ dẫn đến sự đình trệ kinh tế và tụt hậu so với thế giới. Sự suy yếu này tạo điều kiện cho Nhật Bản chiếm đóng Joseon và vào năm 1910, triều đại Joseon chính thức chấm dứt khi rơi vào tay Nhật Bản.
Hàn Quốc khi Nhật chiếm đóng (1910 – 1945)
Cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Hàn Quốc, biến đất nước này thành thuộc địa để khai thác tài nguyên phục vụ cho lợi ích của Nhật. Chính quyền Nhật Bản áp dụng các chính sách đồng hóa tàn bạo, buộc người Hàn phải đổi họ và cấm sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của mình. Cuộc sống của người dân Hàn Quốc trở nên vô cùng khốn khổ dưới ách cai trị khắc nghiệt này.
Trước sự áp bức, cả trong và ngoài nước, người Hàn Quốc đã kiên trì đấu tranh cho độc lập. Phải đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, quân đội Nhật mới rút khỏi Hàn Quốc chấm dứt thời kỳ chiếm đóng kéo dài hơn ba thập kỷ.
Đại Hàn Dân Quốc (1945 – nay)
Sau khi Nhật Bản rút lui vào năm 1945, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc do sự chiếm đóng của Mỹ ở phía Nam và Liên Xô ở phía Bắc.
Năm 1948, Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) được thành lập tại miền Nam, được quốc tế công nhận với thủ đô đặt tại Seoul. Ở miền Bắc, dưới sự hỗ trợ của Liên Xô nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) ra đời.
Cuộc nội chiến Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 kéo dài đến 1953 khiến bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam và Bắc, tình trạng này vẫn kéo dài cho đến hiện nay.
Mặc dù Hàn Quốc trải qua nhiều biến động về chính trị và xã hội sau cuộc chiến nhưng đến thập niên 1970, Hàn Quốc bắt đầu phục hồi và phát triển nhanh chóng, dẫn đến sự ra đời của “Kỳ tích sông Hàn“.
Từ cuối thập niên 1980, Hàn Quốc cải thiện chế độ dân chủ, tiến hành bầu cử tổng thống trực tiếp và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu bước vào thời kỳ hòa giải và hợp tác, thoát khỏi căng thẳng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Lịch sử Hàn Quốc qua 7 triều đại không chỉ là hành trình của một quốc gia từ cổ đại đến hiện đại mà còn là câu chuyện về sự phát triển, đấu tranh và đoàn kết. Mỗi triều đại đóng vai trò quan trọng trong việc định hình văn hóa, chính trị và xã hội của Hàn Quốc, góp phần vào sự thịnh vượng mà quốc gia này đạt được ngày nay.