Phát xít Nhật và những thí nghiệm y khoa rùng rợn trong Thế chiến II
Trong bóng tối của Thế chiến II, ngoài những cuộc chiến khốc liệt trên các chiến trường còn có những sự kiện đẫm máu không được nhắc đến nhiều. Một trong những trang đen tối nhất của lịch sử là các thí nghiệm y khoa vô nhân đạo mà phát xít Nhật đã tiến hành.
Với mục đích nghiên cứu sinh học và vũ khí sinh học, phát xít Nhật đã thực hiện những cuộc thử nghiệm tàn bạo trên chính con người. Điều gì đã diễn ra trong những phòng thí nghiệm đó? Tại sao những sự thật kinh hoàng này lại bị che giấu suốt thời gian dài?
Phát xít Nhật – Những thí nghiệm tàn bạo trên cơ thể con người
Theo trang ATI, trong tất cả các khu vực diễn ra Thế chiến II không nơi nào có hoạt động kéo dài như vùng Mặt trận Thái Bình Dương. Thực tế, Nhật Bản đã khởi đầu cuộc chiến khi tấn công Mãn Châu vào năm 1931 và tiến hành xâm lược Trung Quốc năm 1937.
Những biến động từ các cuộc xâm lược này đã gây ra sự hỗn loạn ở Trung Quốc dẫn đến nội chiến và nạn đói có thể đã cướp đi sinh mạng của số người nhiều hơn dân số Canada và Australia cộng lại.
Trong số những tội ác mà phát xít Nhật đã gây ra cho người dân Trung Quốc trong cuộc chiếm đóng tàn bạo có lẽ không gì gây phẫn nộ nhiều hơn sự tồn tại của Đơn vị 731.
Đơn vị 731 ban đầu được thiết lập như một cơ quan nghiên cứu và y tế công cộng nhưng sau đó đã biến thành một “dây chuyền sản xuất” các loại bệnh tật được sử dụng làm vũ khí sinh học. Nếu được triển khai toàn diện “dây chuyền” này có thể tiêu diệt gấp nhiều lần toàn bộ nhân loại.
Những “tiến bộ” này dĩ nhiên đều được xây dựng trên nỗi đau không tưởng của những tù nhân bị biến thành vật thí nghiệm và ươm mầm bệnh cho đến khi Đơn vị 731 tan rã vào cuối chiến tranh.
Trong số nhiều hành động tàn ác thì có sáu chương trình đặc biệt nổi bật trong lịch sử đẫm máu của Đơn vị 731:
Thí nghiệm tê cóng
Yoshimura Hisato, nhà sinh lý học tại Đơn vị 731 đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu hạ thân nhiệt.
Hisato thường ép các tù nhân ngâm tay chân vào bồn nước đá và giữ chúng ở đó cho đến khi các chi đông cứng tạo thành một lớp băng trên da. Một nhân chứng kể lại rằng, khi dùng gậy đập vào các chi chúng phát ra âm thanh như đập vào gỗ.
Sau đó, Hisato tiến hành thử nghiệm nhiều cách khác nhau để làm tan băng các chi. Đôi lúc, hắn ngâm tay chân tù nhân vào nước nóng, đôi khi lại hơ chúng gần lửa hoặc có khi để mặc các chi đông cứng đó qua đêm mà không điều trị để xem mất bao lâu máu trong cơ thể mới tan ra.
Bàn tay tê cóng sau khi bị thí nghiệm
Giải phẫu sinh thể tù nhân còn tỉnh táo
Đơn vị 731 ban đầu được thành lập với mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của bệnh tật và thương tích lên khả năng chiến đấu của binh lính. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây đã đẩy các thí nghiệm vượt xa khỏi ranh giới đạo đức y học thông thường bằng cách quan sát trực tiếp các thương tích và bệnh tật trên những đối tượng còn sống.
Ban đầu, những đối tượng thí nghiệm là tình nguyện viên từ quân đội. Nhưng khi các thử nghiệm trở nên quá tàn nhẫn và nguồn tình nguyện viên cạn kiệt Đơn vị 731 đã chuyển sang sử dụng tù binh và thường dân Trung Quốc.
Tại đây không có khái niệm về giới hạn. Đơn vị 731 thậm chí còn gọi các đối tượng nghiên cứu của họ là “khúc gỗ” hay “Maruta” trong tiếng Nhật. Các phương pháp nghiên cứu mà họ áp dụng cực kỳ man rợ.
Một ví dụ về phẫu thuật sinh thể tức là cắt xẻo cơ thể người sống mà không gây mê để nghiên cứu cách các hệ thống cơ thể hoạt động.
Hàng nghìn đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già, phần lớn là tù nhân cộng sản Trung Quốc đã bị cho nhiễm các bệnh như tả và dịch hạch. Sau đó, các bác sĩ mổ lấy nội tạng của họ khi họ còn sống để nghiên cứu ảnh hưởng của bệnh tật trước khi nội tạng bị phân hủy.
Một số đối tượng bị cắt cụt tứ chi và gắn lại vào các phần khác của cơ thể. Những người khác thì bị đánh nát hoặc đông cứng các chi hay bị cắt hệ thống tuần hoàn để phát xít Nhật quan sát sự tiến triển của hoại tử.
Khi một tù nhân đã không còn giá trị sử dụng họ thường bị bắn hoặc tiêm thuốc độc hoặc có trường hợp bị chôn sống. Chính vì vậy, không có bất kỳ tù nhân nào từ Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc hay Nga sống sót sau khi bị giam giữ tại Đơn vị 731.
Kiểm tra vũ khí
Quân đội phát xít Nhật đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá hiệu quả của các loại vũ khí.
Để thực hiện điều này, Đơn vị 731 đã tập hợp các tù nhân lại trên một bãi thử nghiệm và tiến hành cho nổ họ ở các khoảng cách khác nhau bằng nhiều loại vũ khí của phát xít Nhật như súng lục Nambu 8mm, súng trường bắn tỉa, súng máy và lựu đạn.
Các vết thương, độ sâu thâm nhập của các loại vũ khí sau đó được so sánh trên cơ thể của các tù nhân đã chết hoặc đang hấp hối.
Lưỡi lê, kiếm và dao cũng được sử dụng trong các thí nghiệm nhưng thường các tù nhân bị trói chặt khi thực hiện. Thậm chí, súng phun lửa cũng được thử nghiệm trên các nạn nhân cả khi họ mặc quần áo và khi da trần bị phơi ra.
Bên cạnh đó, Đơn vị 731 đã thiết lập các phòng hơi ngạt để phơi nhiễm tù nhân với khí độc thần kinh và chất gây bỏng da.
Lính Nhật dùng cơ thể tù nhân để tập đâm lưỡi lê
Hơn nữa, các tù nhân còn bị đè dưới vật nặng để nghiên cứu về tổn thương do đè bẹp và nhiều người bị bỏ đói, không có nước uống để xem họ có thể tồn tại bao lâu.
Trong một số thí nghiệm, các đối tượng chỉ được uống nước biển hoặc bị tiêm máu từ nhóm máu khác hay thậm chí là máu động vật nhằm nghiên cứu về truyền máu và quá trình đông máu.
Còn có các thí nghiệm tiếp xúc kéo dài với tia X, khiến hàng nghìn tù nhân bị vô sinh hoặc tử vong. Nhiều nạn nhân phải chịu bỏng nghiêm trọng khi tấm phát xạ được đặt quá gần các bộ phận nhạy cảm như núm vú, cơ quan sinh dục hoặc khuôn mặt.
Để nghiên cứu tác động của trọng lực cao đối với phi công và lính dù, các tù nhân bị đặt vào các máy ly tâm lớn và quay với tốc độ tăng dần cho đến khi họ bất tỉnh hoặc tử vong. Điều này thường xảy ra khi lực trọng trường đạt từ 10 đến 15 g. Đặc biệt, trẻ em có sức chịu đựng thấp hơn so với người lớn khi đối mặt với các lực gia tốc này.
Hiếp dâm và cưỡng bức mang thai
Ngoài các thí nghiệm về bệnh giang mai, hành vi cưỡng hiếp cũng trở thành một phần phổ biến trong các thí nghiệm của Đơn vị 731.
Chẳng hạn, các nữ tù nhân trong độ tuổi sinh đẻ thường bị ép buộc quan hệ tình dục để phục vụ cho các thí nghiệm liên quan đến vũ khí và chấn thương trên cơ thể họ.
Sau khi bị lây nhiễm các bệnh, tiếp xúc với vũ khí hóa học hoặc bị thương do vật nặng đè, đạn bắn hoặc mảnh đạn, những nữ tù nhân mang thai thường bị mổ xẻ để nghiên cứu tác động của những vết thương này lên thai nhi.
Chiến tranh vi trùng
Toàn bộ nghiên cứu của Đơn vị 731 được thực hiện nhằm phục vụ cho mục tiêu lớn hơn của chúng.
Vào năm 1939, đơn vị này đã lên kế hoạch phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt để sử dụng chống lại dân Trung Quốc và cả lực lượng Mỹ và Liên Xô nếu điều kiện cho phép.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Đơn vị 731 đã thu gom hàng chục nghìn tù nhân tại các cơ sở trải khắp Mãn Châu, nơi bị quân đội đế quốc Nhật chiếm đóng suốt nhiều năm.
Những tù nhân tại đây bị nhiễm hàng loạt mầm bệnh nguy hiểm nhất mà khoa học từng biết đến, như vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch và dịch phổi cũng như bệnh sốt phát ban.
Phát xít Nhật hy vọng rằng các mầm bệnh này sẽ lan truyền từ người sang người sau khi được thả ra nhằm giảm thiểu dân số tại các khu vực chiến lược.
Thí nghiệm vi khuẩn với tù nhân ở trẻ em
Để tạo ra các chủng vi khuẩn có khả năng gây chết người cao nhất, các bác sĩ đã theo dõi sát sao quá trình bộc phát triệu chứng và sự tiến triển của bệnh.
Những tù nhân sống sót sẽ bị bắn chết trong khi những người phát bệnh nhanh nhất bị chảy máu đến chết trên bàn mổ. Máu của họ sau đó được dùng để lây nhiễm cho các tù nhân khác, giúp truyền chủng vi khuẩn độc hại nhất sang thế hệ mới.
Một thành viên của Đơn vị 731 sau này kể lại rằng, những tù nhân yếu đuối không còn khả năng kháng cự sẽ bị đặt lên bàn với một sợi dây được luồn vào động mạch cảnh của họ. Khi máu gần cạn và tim không còn đủ mạnh để bơm máu, một sĩ quan mang đôi ủng da sẽ trèo lên bàn và dùng lực ép mạnh lên lồng ngực nạn nhân để khiến một lượng máu cuối cùng phun ra vào thùng chứa.
Khi nuôi cấy trực khuẩn dịch hạch đủ đến mức gây chết người, các tù nhân bị nhiễm bệnh sẽ được tiếp xúc với bọ chét – loài trung gian lây truyền vi khuẩn Y. pestis. Những con bọ chét này sau khi hút máu tù nhân nhiễm bệnh sẽ được bọc kín trong đất và niêm phong trong các vỏ bom đất sét.
Vào ngày 4/10/1940, máy bay Nhật Bản đã thả các vỏ bom chứa khoảng 30.000 con bọ chét đã hút máu từ một tù nhân sắp chết xuống ngôi làng Quzhou, Trung Quốc. Sau cuộc tấn công, người dân tại đây hầu hết đều bị bọ chét cắn đau đớn.
Theo những người kể lại, hơn 2.000 thường dân đã thiệt mạng do dịch bệnh sau cuộc tấn công và thêm 1.000 người khác chết ở Yiwu khi bệnh dịch lan qua các công nhân đường sắt nhiễm bệnh. Những cuộc tấn công bằng bệnh than sau đó đã giết chết khoảng 6.000 người trong khu vực.
Đến tháng 8/1945, sau khi thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom, quân đội Liên Xô tiến vào Mãn Châu tiêu diệt hoàn toàn quân đội Nhật Bản. Đơn vị 731 bị giải tán.
Hầu hết các tài liệu và hồ sơ của đơn vị này đều bị đốt cháy nhằm phá hủy mọi thông tin mà họ đã thu thập trong suốt 13 năm nghiên cứu.
Các nhà khoa học của Đơn vị 731 phần lớn trở lại cuộc sống bình thường ở Nhật Bản như chưa từng có gì xảy ra, thậm chí nhiều người còn trở thành những nhân vật có tiếng trong các trường đại học.
Đến nay, Nhật Bản vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức và Trung Quốc cũng không bao giờ tha thứ cho những hành động tàn bạo mà quân Nhật đã gây ra từ năm 1931 đến 1945. Khi những nhân chứng cuối cùng của thời kỳ này dần qua đời, có thể câu chuyện sẽ dần rơi vào quên lãng.
Những thí nghiệm y khoa rùng rợn mà phát xít Nhật thực hiện trong Thế chiến II đã để lại những hậu quả khủng khiếp và là vết nhơ không thể xóa nhòa trong lịch sử nhân loại. Dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng ký ức về những tội ác man rợ đó vẫn còn hiện hữu nhắc nhở chúng ta về những giới hạn đạo đức không thể vượt qua trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Khám phá lịch sử Thái Lan thời vua Narai: Thời kỳ hoàng kim của Ayutthaya