Trần Đại Nghĩa – Nhà khoa học và biểu tượng của lòng yêu nước

Trần Đại Nghĩa là một trong những nhà khoa học vĩ đại, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam. Vị anh hùng Trần Đại Nghĩa đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp khoa học và quốc phòng của đất nước, ông đã vươn lên trở thành biểu tượng của trí tuệ và lòng yêu nước.

Trần Đại Nghĩa là ai?

Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, ông là một nhà khoa học, kỹ sư quân sự vĩ đại của Việt Nam. Ông sinh năm 1913 tại Vĩnh Long và được biết đến với những đóng góp to lớn trong chế tạo vũ khí cho quân đội Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học tài ba, vị tướng khiêm nhường, giản dị

Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học tài ba, vị tướng khiêm nhường, giản dị

Trần Đại Nghĩa là người đã nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí quan trọng như súng cối và pháo phản lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân đội Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn, ông được vinh danh là Anh hùng Lao động và được phong hàm Thiếu tướng. Ông còn là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, người tiên phong trong nghiên cứu và phát triển ngành công nghệ quốc phòng nước nhà.

Hành trình học tập và khát vọng cống hiến

Ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã nuôi chí lớn phải đánh đuổi thực dân Pháp để cứu dân tộc khỏi cảnh khổ cực. Ông luôn phấn đấu học giỏi từ bậc tiểu học.

Năm 1926, ông đỗ hạng ưu vào Trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho (College de Mytho) và được cấp học bổng 4 năm. Đến năm 1930, ông tiếp tục thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) và nhận học bổng liên tục trong 3 năm.

Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, giữa năm 1933 Phạm Quang Lễ đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông tạm thời dừng việc học để đi làm giúp mẹ và chị.

Ngày 5/9/1935, ông sang Pháp du học theo học tại các trường Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne và Đại học Cầu đường Paris, tốt nghiệp với bằng kỹ sư và cử nhân toán học.

Với khát vọng nghiên cứu vũ khí, dù Chính phủ Pháp cấm người dân thuộc địa học về vũ khí hay làm việc tại các viện nghiên cứu và nhà máy vũ khí, Phạm Quang Lễ vẫn tự tìm tòi và bí mật học hỏi, thu thập tài liệu trong quá trình học tại Pháp. Ông còn tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu nguyên bản.

Năm 1939, ông làm việc tại Hãng điện khí Thomson và Viện nghiên cứu chế tạo máy bay của Pháp sau đó chuyển sang Đức làm việc tại Xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Từ khi còn trẻ, tinh thần yêu nước của Phạm Quang Lễ đã sớm được hình thành từ những phong trào yêu nước, chống lại ách thống trị của thực dân Pháp tại Sài Gòn và Nam Bộ.

Những phong trào này đã tác động sâu sắc đến tình cảm, ý thức dân tộc và hun đúc quyết tâm học hành của ông, với mong muốn giúp dân, giúp nước thoát khỏi sự khổ cực, áp bức. Ý chí đó không chỉ là niềm tin, mà còn là động lực lớn giúp ông vươn lên học tập và nghiên cứu không ngừng.

Cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và bước ngoặt cuộc đời

Cơ duyên lớn đến với ông vào năm 1946, khi ông được gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến công tác của Người đến Pháp để bàn về vấn đề giữa Việt Nam và Pháp. Chính sự cảm mến và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến Phạm Quang Lễ quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang và nhiều cơ hội thăng tiến tại Pháp để trở về quê hương.

Lúc đó, ông đang là kỹ sư trưởng chế tạo máy bay, được trọng đãi với mức lương cao. Tuy nhiên, Phạm Quang Lễ không do dự mà ngược lại rất vui sướng khi được trở về cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để cống hiến cho Tổ quốc. Sau khi về nước, ông được giao nhiệm vụ quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho cuộc kháng chiến.

Bác Hồ và giáo sư Trần Đại Nghĩa

Bác Hồ và giáo sư Trần Đại Nghĩa

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa, với mong muốn giữ bí mật danh tính và bảo vệ an toàn cho gia đình ông còn ở miền Nam. Từ đây, gs Trần Đại Nghĩa toàn tâm toàn ý dấn thân vào con đường nghiên cứu, chế tạo vũ khí phục vụ quân đội.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, những kiến thức về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa đã giúp ích rất nhiều trong việc trang bị khí tài cho quân đội trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Ông đã làm việc không ngừng nghỉ, quên ăn quên ngủ cùng với các đồng đội nghiên cứu, sáng tạo để chế tạo thành công các loại vũ khí như súng cối, bazooka, mìn phá xe, lựu đạn. Sự nỗ lực này đã giúp quân đội Việt Nam giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947.

Với những đóng góp to lớn của mình, ông được phong quân hàm Thiếu tướng vào năm 1948 và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1949.

Những đóng góp và vinh danh của Trần Đại Nghĩa

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Trần Đại Nghĩa tiếp tục đóng góp với nhiều phát minh, sáng chế quan trọng. Ông đã giúp chế tạo nhiều loại vũ khí bằng vật liệu có sẵn trong nước với công nghệ đơn giản, nhưng lại có hiệu quả lớn trên chiến trường. Những thành tựu này đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh và mang lại thắng lợi cho quân đội ta.

Không chỉ đóng góp cho lĩnh vực quân sự, Trần Đại Nghĩa còn là người đặt nền móng cho ngành khoa học và kỹ thuật của Việt Nam.

Ông giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các cơ quan khoa học và công nghệ của nước ta như Cục trưởng Cục Quân giới, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Dù ở bất kỳ vị trí nào, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cống hiến hết mình cho đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bên phải) và GS. Trần Đại Nghĩa (đeo kính) tại Triển lãm vũ khí của ngành quân giới

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bên phải) và GS. Trần Đại Nghĩa (đeo kính) tại Triển lãm vũ khí của ngành quân giới

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp kháng chiến và phát triển đất nước, Trần Đại Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động và được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô vinh danh là Viện sĩ vào năm 1966.

Đến năm 1996, ông và các cộng sự đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cuộc đời và sự nghiệp của gs Trần Đại Nghĩa là minh chứng cho trí tuệ và sự cống hiến không mệt mỏi. Từ cậu bé nghèo vùng Vĩnh Long đến vị Anh hùng Trần Đại Nghĩa, ông đã để lại di sản lớn lao cho khoa học và quân đội Việt Nam. Những đóng góp của ông không chỉ là niềm tự hào của đất nước mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Duy Thì – Vị quan Thượng Láng hết lòng vì dân