Lavrenty Beria bị buộc tội cưỡng hiếp và ấu dâm: Đâu là sự thật?
Lavrenty Beria, người được mệnh danh là “cánh tay phải của Stalin” và lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ, không chỉ nổi tiếng vì quyền lực chính trị mà còn bởi những cáo buộc gây tranh cãi về cưỡng hiếp và ấu dâm. Những lời khai từ các nhân chứng và tài liệu lịch sử đã vẽ nên bức tranh đầy phức tạp về đời sống cá nhân của ông. Nhưng liệu những điều đó có phải là sự thật hay chỉ là công cụ chính trị nhằm hạ bệ một trong những nhân vật quyền lực nhất thời kỳ Stalin?
Lavrenty Beria – Cha đẻ bom nguyên tử và ông bố không mẫu mực
Lavrenty Beria, người được mệnh danh là “cánh tay phải” của Joseph Stalin, luôn là một nhân vật gây chú ý trong lịch sử Liên Xô.
Dù ông đóng vai trò quan trọng trong các chính sách kinh tế, chính trị và quân sự, cũng như góp phần giám sát quá trình chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô nhưng những câu chuyện về năng lực chuyên môn của ông lại ít được nhắc đến. Thay vào đó, đời sống cá nhân đầy tai tiếng, đặc biệt là các mối quan hệ tình cảm của ông lại trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi – mặc dù chỉ trong những cuộc trò chuyện kín đáo.
Beria kết hôn với Nino Gegechkori, người được cho là không có tình yêu trong mối quan hệ này. Họ có với nhau một người con trai, nhưng cậu bé không may qua đời khi còn nhỏ. Mặc dù vậy, bà Nino vẫn luôn khẳng định về sự gắn bó của gia đình họ sau cái chết của chồng. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Laventy Beria có nhiều mối quan hệ ngoài luồng với phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, một trong số đó là Valentina Drozdova, người tình nổi tiếng nhất của ông và là mẹ của cô con gái ngoài giá thú.
Chân dung Nguyên soái Levrenty Beria.
Theo một số nhà sử học, Beria gặp Valentina khi bà còn đang học phổ thông. Người ta kể lại rằng, sau khi thấy cô bé trên phố, Beria đã nhờ một sĩ quan thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ theo dõi và đưa cô tới gặp ông. Dựa trên thời điểm con gái họ chào đời khi Valentina mới 17 tuổi, có cơ sở để tin rằng Beria bắt đầu quan tâm đến bà từ năm bà chỉ 16 tuổi, trong khi bản thân ông đã ở tuổi 50. Tuy nhiên, những lần Beria công khai xuất hiện cùng Valentina rất hiếm hoi, thường chỉ diễn ra khi người vợ chính thức của ông đi nghỉ dưỡng hoặc chữa bệnh.
Dù đã có nhiều tài liệu và lời kể của nhân chứng về đời sống cá nhân của Lavrenty Beria, các góc khuất trong cuộc đời ông vẫn là chủ đề tranh cãi giữa các nhà sử học và dư luận, làm tăng thêm sự bí ẩn về người đàn ông từng đứng ngay sau Stalin trong hệ thống quyền lực Liên Xô này.
Nino Gegechkori – Người vợ đầu của Lavrenty Beria
Kẻ máu gái và bạo chúa?
Là người từng phỏng vấn cha mình nhiều lần, Sergo Beria – con trai duy nhất của Lavrenty Beria – thường tránh đề cập đến những khía cạnh đời tư gây tranh cãi của cha. Ông chỉ tập trung vào những vấn đề chính trị, sự nghiệp và vai trò của cha mình trong lịch sử Liên Xô. Ngược lại, Ivan Malinovsky, cựu vệ sĩ của Beria lại không ngần ngại chia sẻ về người sếp mà ông đã phục vụ suốt 7 năm từ 1946 đến 1953. Theo Malinovsky, Beria “thích phụ nữ, nhưng không phải là kẻ háo sắc“.
Sergo Beria – con trai của Lavrenty Beria.
Câu hỏi liệu Lavrenty Beria có phải là người bị ám ảnh bởi tình dục hay không vẫn chưa có lời giải đáp dứt khoát. Những bằng chứng còn sót lại – chủ yếu là tài liệu và lời kể từ các nhân chứng – chỉ đủ để vẽ nên một bức tranh phức tạp và mâu thuẫn.
Khi bị bắt giữ, vị “kiến trúc sư” chương trình nguyên tử Liên Xô đối mặt với loạt cáo buộc nặng nề, từ đồng nghiệp cũ trong Bộ Dân ủy Nội vụ đến những người từng phục vụ thân cận, thậm chí cả vợ mình. Vợ của Beria tố cáo ông có đời sống tình dục phóng túng và mắc nhiều bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, chính Beria không phủ nhận việc mình từng có nhiều mối tình chớp nhoáng, thậm chí còn miêu tả cách ông quen biết và đưa phụ nữ đến nhà mình trong các cuộc thẩm vấn.
Theo lời khai của Beria được ghi chép trong biên bản thẩm vấn của Tổng Công Tố viên Rudenko và Điều Tra viên Tsaregradsky, ông thừa nhận:
“Tôi dễ dàng làm quen với phụ nữ và từng có nhiều mối quan hệ ngắn hạn. Những phụ nữ này được đưa đến nhà tôi – tôi chưa bao giờ đến gặp họ. Sarkisov và Nadaraya (các vệ sĩ của tôi) thường đưa họ đến, đặc biệt là Sarkisov. Có những lần, khi ngồi trên ô tô, nếu tôi nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, tôi sẽ yêu cầu họ theo dõi, xác định địa chỉ và đưa cô ấy đến gặp tôi nếu tôi muốn. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm”.
Dẫu vậy, sự thật vẫn là điều khó xác định rõ ràng. Những lời khai này có thể là sự thừa nhận lạnh lùng của một người đàn ông quyền lực hoặc là kết quả của áp lực trong các cuộc thẩm vấn khắc nghiệt. Đối với các nhà sử học, đời sống tình dục của Lavrenty Beria không chỉ là một khía cạnh đời tư mà còn là một biểu tượng của sự lạm dụng quyền lực dưới chế độ Stalin – nơi ranh giới giữa thực tế và lời đồn luôn trở nên mờ nhạt.
“Ông già đeo kính” và kẻ ấu dâm?
Lavrentiy Pavlovich Beria không chỉ được nhớ đến vì quyền lực chính trị mà còn bởi những cáo buộc đầy tai tiếng về hành vi xâm phạm phụ nữ và trẻ em. Dựa trên các biên bản thẩm vấn và lời khai của nhân chứng, những câu chuyện đằng sau con người này tiếp tục gợi lên tranh cãi giữa sự thật và lời đồn đoán.
Một trong những trường hợp gây rúng động là lời kể của Valentina Drozdova – tình nhân trẻ tuổi của Beria. Theo lời khai, bà và mẹ từng cố gắng gửi thư trực tiếp cho Stalin để tố cáo hành vi của Beria, nhưng bức thư đã bị chặn lại. Không lâu sau đó, các sĩ quan của Bộ Dân ủy Nội vụ đến gặp họ, biến vụ việc rơi vào im lặng.
Valentina Drozdova đã thuật lại trong biên bản thẩm vấn:
“Khi mẹ tôi trở về từ bệnh viện, tôi đã kể lại mọi chuyện. Mẹ tôi ban đầu không tin rằng Beria có thể làm điều khủng khiếp như vậy. Nhưng sau khi gặp mặt, mẹ đã tát vào mặt ông ta. Beria ngay lập tức đe dọa rằng nếu chúng tôi tiết lộ điều này, cả hai sẽ phải chết. Khi mẹ tôi hỏi rằng Stalin liệu có biết không, Beria trả lời: ‘Tất cả đơn thư đều qua tay tôi trước’.”
Drozdova cũng kể rằng Beria không hề mong muốn có một gia đình hay vai trò làm cha:
“Vào năm 1950, tôi mang thai với ông ta. Beria yêu cầu tôi phá thai. Mẹ tôi đã phản đối kịch liệt và tát vào mặt người của ông ta khi họ cố gắng thuyết phục mẹ tôi. Beria đưa tiền và gây áp lực, nhưng mẹ nói rằng nếu họ cố ép buộc, mẹ sẽ viết thư cho Stalin hoặc công khai kêu cứu.”
Trái ngược với lời khai của Drozdova, trong các cuộc thẩm vấn, Beria đã phủ nhận những cáo buộc nghiêm trọng và cho rằng đây là âm mưu nhằm làm tổn hại danh tiếng của ông:
“Tôi có mối quan hệ tốt đẹp với Drozdova. Tôi không biết chính xác tuổi của cô ấy. Nhưng những lời buộc tội tôi cưỡng hiếp hay lạm dụng là những lời bịa đặt để hạ uy tín của tôi.”
Trong khi đó, Sergey Goglidze, một cấp phó thân cận của Beria đã tiết lộ những hành vi đáng ngờ khác:
“Beria có quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ, bao gồm cả thư ký riêng Vardo Maksimelashvili. Ông ta thường lạm dụng quyền lực để tiếp cận các cô gái trẻ và có danh sách dài những người tình. Bên cạnh đó, ông ta cũng thường xuyên sỉ nhục cấp dưới và sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân.”
Theo bác sĩ tâm lý Irina Leshitskaya, lời khai từ các biên bản thẩm vấn cho thấy Beria có thể mắc các rối loạn tâm lý liên quan đến bạo lực tình dục và sự lệch lạc trong hành vi.
Những câu chuyện đằng sau Lavrenty Beria không chỉ là lời tố cáo về một cá nhân mà còn là biểu tượng cho sự tha hóa và lạm quyền trong chế độ toàn trị. Dù vậy, ranh giới giữa sự thật lịch sử và các lời đồn thổi vẫn tiếp tục làm mờ đi chân dung thực sự của nhân vật này.
Lavrenty Beria và con gái của Joseph Stalin
Những sự thật được phơi bày về Beria
Theo lời khai của các nhân viên cấp dưới, đồng nghiệp và những người thân cận, Lavrenty Beria không chỉ bị cáo buộc là kẻ lạm quyền mà còn duy trì một “dây chuyền” phục vụ cho thói trăng hoa không đáy của mình. Ông thường xuyên cần những gương mặt mới và để đảm bảo “nguồn cung”, ông sử dụng mọi mối quan hệ, từ những nữ thư ký thân cận đến các nhân viên của Bộ Dân ủy Nội vụ.
Trong biên bản thẩm vấn, Rafael Sarkisov – Trưởng ban bảo vệ của Beria – đã thừa nhận vai trò “môi giới” cho ông chủ:
“Tôi được Beria giao nhiệm vụ tìm kiếm các cô gái và phụ nữ để ông ta sống chung. Số lượng những người như vậy rất nhiều, đến mức tôi phải lập hẳn một danh sách ghi rõ tên, số điện thoại và thông tin chi tiết của họ. Ngoài tôi, cấp phó của tôi – Nadaraya, cũng được giao nhiệm vụ tương tự và cũng duy trì một danh sách riêng.”
Mặc dù phủ nhận các cáo buộc liên quan đến cưỡng hiếp và ép buộc phá thai, Beria đã thừa nhận nhiều hành vi không đứng đắn trong các cuộc thẩm vấn. Ông không chỉ thừa nhận việc có quan hệ với nhiều phụ nữ mà còn cho thấy mức độ “bất thường” trong sở thích cá nhân.
Trong phòng làm việc của ông, các điều tra viên đã tìm thấy một số lượng lớn quần lót và áo ngực phụ nữ được mua từ Berlin. Khi bị hỏi về chúng, Beria giải thích rằng đây là quà tặng dành cho các phụ nữ trong cuộc đời ông, từ em gái, vợ đến những người tình.
Beria không chỉ là một kẻ phóng đãng, mà còn biến thói trăng hoa của mình thành một hệ thống vận hành có tổ chức. Từ việc giao nhiệm vụ tìm kiếm phụ nữ cho các nhân viên cận vệ đến việc duy trì danh sách chi tiết, hành vi của ông là biểu hiện rõ ràng của sự lạm dụng quyền lực.
Những chi tiết này không chỉ lột trần mặt tối trong đời sống cá nhân của Beria mà còn là minh chứng về sự tha hóa quyền lực dưới chế độ toàn trị. Sự thật này vẫn là vết nhơ lịch sử khó có thể xóa mờ.
Trăm dâu đổ đầu tằm – Cái giá của một đời sống phóng đãng
Nhận xét về đời sống riêng tư đầy tai tiếng của Lavrenty Beria, cựu sĩ quan an ninh quốc gia, trung tá KGB Ivan Kusennoy từng viết:
“Thời bấy giờ không có ai hoàn toàn vô tội. Nhưng giữa thói trăng hoa của Beria và công việc đất nước không có bất kỳ mối liên hệ nào. Đó là chuyện cá nhân của ông ta. Các cơ quan an ninh vẫn hoạt động hiệu quả, vũ khí vẫn được sản xuất, kẻ thù vẫn bị tiêu diệt. Cuộc sống phóng đãng của Beria không liên quan tới những vấn đề quốc gia. Sai lầm lớn nhất của ông là lưu giữ danh sách những người mà ông từng có quan hệ. Chính điều đó đã khiến ông phải trả giá.”
Các lời buộc tội về đời sống tình dục của Beria, gồm các cáo buộc ấu dâm và cưỡng bức, đã trở thành điểm nhấn trong những chiến dịch hạ bệ ông sau khi Stalin qua đời. Tuy nhiên, những thông tin này không hề xuất hiện trong bản cáo trạng chính thức. Thay vào đó, Beria bị kết án vì tội phản quốc, chủ yếu dựa trên các lời khai và bằng chứng được dựng lên sau khi ông mất quyền lực.
Mặc dù nhiều nhà sử học cho rằng những lời buộc tội liên quan đến sự suy đồi đạo đức của Beria có thể đã bị thổi phồng hoặc dàn dựng nhằm bôi nhọ danh tiếng, ông vẫn không thể thoát khỏi cái bóng của những lời đồn đại.
Cho đến nay, dù có không ít ý kiến nghi ngờ về tính xác thực của các cáo buộc ấu dâm và đời sống suy đồi của Beria, chưa từng có nỗ lực chính thức nào nhằm phục hồi danh dự cho ông. Người từng giữ vai trò then chốt trong chương trình hạt nhân của Liên Xô và là nhân vật quyền lực thứ hai sau Stalin đã vĩnh viễn bị lịch sử khắc ghi như một kẻ lạm quyền và đồi bại.
Dẫu sao, câu chuyện về Lavrenty Beria không chỉ là bài học về cá nhân ông mà còn là minh chứng cho cách quyền lực bị thao túng và lạm dụng trong những cuộc đấu đá chính trị ở thời kỳ đỉnh cao của chế độ toàn trị.